Khi giao dịch dân sự vô hiệu, quyền lợi của người thứ ba ngay tình được quy định như thế nào?
Người thứ ba ngay tình là gì?
Căn cứ vào Điều 180 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chiếm hữu ngay tình được quy định như sau:
Chiếm hữu ngay tình
Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.
Đồng thời theo Từ điển Luật học có giải thích về khái niệm người thứ ba ngay tình là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.
Như vậy, đối với trường hợp đã ký vào hợp đồng mua nhà mà không biết rằng căn nhà đó không thể bán thì theo quy định của pháp luật thì đây có thể được xem là người thứ ba ngay tình.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu, quyền lợi của người thứ ba ngay tình được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Người thứ ba ngay tình sẽ được bảo vệ những quyền lợi gì?
Vì trong giao dịch dân sự thì người thứ ba ngay tình không có lỗi nên tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 đã có những quy định về bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình như sau:
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
Như vậy, việc bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình được quy định cụ thể là:
- Nếu là giao dịch là tài sản không phải đăng ký thì giao dịch đó không bị vô hiệu trừ khi:
Tài sản đó có được từ một hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản
Tài sản đó là tài sản bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu
- Nếu là tài sản phải đăng ký mà chưa đăng ký thì cần thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện sau:
Tài sản đó phải do người thứ ba ngay tình có được từ đấu giá hợp pháp
Tài sản có được do người không có quyền định đoạt bị mất quyền định đoạt đối với tài sản vì bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền bị hủy, sửa.
- Chủ sở hữu tài sản không thể đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nếu giao dịch dân sự của người thứ ba ngay tình thực hiện không bị vô hiệu
Điều kiện xác định người thứ ba ngay tình để được bảo vệ quyền lợi là gì?
Căn cứ tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định về một giao dịch dân sự có hiệu lực như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Dựa trên căn cứ pháp lý về bảo vệ người thứ ba ngay tình quy định tại Điều 133 và Điều 117 quy định về điều kiện một giao dịch dân sự có hiệu lực thì để xác định người thứ ba ngay tình cần phải đáp ứng những yêu cầu sau:
1) Người thứ ba phải có đủ năng lực pháp luật và hành vi dân sự;
2) Người thứ ba đã đạt được mục đích của giao dịch;
3) Tài sản giao dịch hợp pháp;
4) Mục đích và nội dung giao dịch không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
5) Giao dịch được xác lập đúng trình tự theo quy định pháp luật;
6) Trước khi người thứ ba tham gia giao dịch dân sự đã có một giao dịch dân sự trước đó được xác lập, thực hiện nhưng giao dịch đó vô hiệu;
7) Người thứ ba phải ngay tình, tức là không biết hoặc không thể biết rằng mình đang giao dịch với người không có quyền định đoạt tài sản;
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?