Cách tính chi phí lãi vay được trừ trong giao dịch liên kết? Tổng cục Thuế trả lời về giao dịch liên kết như thế nào?
- Cách tính chi phí lãi vay được trừ trong giao dịch liên kết?
- Công ty hoạt động đồng thời 02 lĩnh vực bất động sản và sản xuất kinh doanh thì chi phí lãi vay được xử lý như thế nào khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN?
- Khoản lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế trước khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sẽ được xử lý như thế nào?
- Chi phí chuyển nhượng bất động sản được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN bao gồm những chi phí nào?
Cách tính chi phí lãi vay được trừ trong giao dịch liên kết?
Căn cứ tại điểm a, b khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định như sau
Xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
[...]
3. Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;
b) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;
...
Như vậy, theo quy định trên, chi phí lãi vay được trừ trong giao dịch liên kết để tính thuế TNDN được xác định như sau:
- Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
- Phần chi phí lãi vay không được trừ sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Lưu ý: Chi phí lãi vay được trừ trong giao dịch liên kết nói trên không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là: tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ, các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các khoản vay đầu tư chương trình dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước.
Công ty hoạt động đồng thời 02 lĩnh vực bất động sản và sản xuất kinh doanh thì chi phí lãi vay được xử lý như thế nào khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN?
Về chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết giữa hoạt động bất động sản và sản xuất kinh doanh, ngày 15/06/2022 Cục thuế Thành phố Hà Nội đã có Công văn 27970/CTHN-TTHT năm 2023 giải đáp vướng mắc vấn đề này như sau:
Về việc chuyển chi phí lãi vay trong trường hợp Công ty có đồng thời hoạt động bất động sản và sản xuất kinh doanh:
Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí. Trường hợp không hạch toán riêng được chi phí của từng hoạt động thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp theo quy định tại tiết b Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 78/2014/TT-BTC .
Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Việc xác định chi phí lãi vay được trừ cho từng hoạt động của kỳ tính thuế tiếp theo phải đảm bảo nguyên tắc khoản chi được trừ để xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế tương ứng với doanh thu để tính thu nhập chịu thuế theo quy định. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Như vậy, theo Cục thuế Thành phố Hà Nội, trường hợp doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau thì phải hạch toán riêng các khoản chi phí.
Trường hợp không hạch toán riêng được chi phí của từng hoạt động thì chi phí chung được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản so với tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Phần chi phí lãi vay không được trừ sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Việc xác định chi phí lãi vay được trừ cho từng hoạt động của kỳ tính thuế tiếp theo phải đảm bảo nguyên tắc khoản chi được trừ để xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế tương ứng với doanh thu để tính thu nhập chịu thuế theo quy định.
Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Cách tính chi phí lãi vay được trừ trong giao dịch liên kết? Tổng cục Thuế trả lời về giao dịch liên kết như thế nào? (Hình từ Internet)
Khoản lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế trước khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sẽ được xử lý như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi bổ sung bởi Điều 7 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định như sau:
Xác định lỗ và chuyển lỗ
...
3. Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền (trừ trường hợp không phải quyết toán thuế theo quy định). Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập cùng năm của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chia, tách thành doanh nghiệp khác và đang còn trong thời gian chuyển lỗ theo quy định thì số lỗ này sẽ được phân bố cho các doanh nghiệp sau khi chia, tách theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu được chia, tách.
Như vậy, theo quy định trên, doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, trừ trường hợp không phải quyết toán thuế.
Số lỗ của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập cùng năm của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
Chi phí chuyển nhượng bất động sản được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN bao gồm những chi phí nào?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Thông tư 78/2014/TT-BTC, chi phí chuyển nhượng bất động sản được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN bao gồm:
- Giá vốn của đất chuyển quyền được xác định phù hợp với nguồn gốc quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:
+ Đối với đất Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, thu tiền cho thuê đất thì giá vốn là số tiền sử dụng đất, số tiền cho thuê đất thực nộp Ngân sách Nhà nước;
+ Đối với đất nhận quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân khác thì căn cứ vào hợp đồng và chứng từ trả tiền hợp pháp khi nhận quyền sử dụng đất, quyền thuê đất; trường hợp không có hợp đồng và chứng từ trả tiền hợp pháp thì giá vốn được tính theo giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm doanh nghiệp nhận chuyển nhượng bất động sản.
+ Đối với đất có nguồn gốc do góp vốn thì giá vốn là giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất theo biên bản định giá tài sản khi góp vốn;
+ Trường hợp doanh nghiệp đổi công trình lấy đất của Nhà nước thì giá vốn được xác định theo giá trị công trình đã đổi, trừ trường hợp thực hiện theo quy định riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Giá trúng đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất;
+ Đối với đất của doanh nghiệp có nguồn gốc do thừa kế theo pháp luật dân sự; do được cho, biếu, tặng mà không xác định được giá vốn thì xác định theo giá các loại đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định căn cứ vào Bảng khung giá các loại đất do Chính phủ quy định tại thời điểm thừa kế, cho, biếu, tặng.
Trường hợp đất của doanh nghiệp được thừa kế, cho, biếu, tặng trước năm 1994 thì giá vốn được xác định theo giá các loại đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định năm 1994 căn cứ vào Bảng khung giá các loại đất quy định.
+ Đối với đất thế chấp bảo đảm tiền vay, đất là tài sản kê biên để bảo đảm thi hành án thì giá vốn đất được xác định tùy theo từng trường hợp cụ thể theo hướng dẫn tại các điểm nêu trên.
- Chi phí đền bù thiệt hại về đất.
- Chi phí đền bù thiệt hại về hoa màu.
- Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.
Các khoản chi phí bồi thường, đền bù, hỗ trợ, tái định cư và chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trên nếu không có hóa đơn thì được lập Bảng kê ghi rõ: tên; địa chỉ của người nhận; số tiền đền bù, hỗ trợ; chữ ký của người nhận tiền và được chính quyền phường, xã nơi có đất được đền bù, hỗ trợ xác nhận theo đúng quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
- Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến cấp quyền sử dụng đất.
- Chi phí cải tạo đất, san lấp mặt bằng.
- Chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông, điện, cấp nước, thoát nước, bưu chính viễn thông...
- Giá trị kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc có trên đất.
- Các khoản chi phí khác liên quan đến bất động sản được chuyển nhượng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?