Hướng dẫn sử dụng VNeID thay giấy xác nhận cư trú? Hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với công dân Việt Nam?
- Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng những phương thức nào?
- Hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với công dân Việt Nam như thế nào?
- Hướng dẫn sử dụng VNeID thay giấy xác nhận cư trú?
- Một số tiện ích nổi bật của ứng dụng VNeID?
- Những giấy tờ nào giống giấy xác nhận cư trú dùng để thay thế sổ hộ khẩu?
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng những phương thức nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định các phương thức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:
Khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công
1. Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
2. Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:
a) Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;
b) Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;
c) Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
d) Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
...
Như vậy, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng những phương thức sau:
+) Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;
+) Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;
+) Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
+) Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Theo đó, tra cứu thông tin cá nhân qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID là một trong những phương thức khai thác thông tin bắt buộc của cơ quan nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính.
Tính năng thông tin cư trú trên ứng dụng VNeID được cung cấp ở tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Hướng dẫn sử dụng VNeID thay giấy xác nhận cư trú? Hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với công dân Việt Nam? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với công dân Việt Nam như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 2 Mục A Phần II Thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực định danh và xác thực điện tử thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ công an ban hành kèm theo Quyết định 9039/QĐ-BCA-C06 năm 2022 quy định về thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với công dân Việt Nam như sau:
Bước 1: Công dân Việt Nam đến Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đề nghị đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Bước 2: Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Bước 3: Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử; in phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
Bước 4: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Lưu ý: Đối với công dân chưa được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử: Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân.
Công dân chuẩn bị hồ sơ và thực hiện đồng thời thủ tục “Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với công dân Việt Nam” cùng với thủ tục về cấp thẻ Căn cước công dân.
- Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định của pháp luật).
- Thời hạn giải quyết: Không quá 03 ngày làm việc với trường hợp công dân đã có thẻ Căn cước công dân gắn chip, không quá 07 ngày làm việc với trường hợp công dân chưa có thẻ Căn cước công dân gắn chip.
- Thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNeID hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
- Phí, lệ phí: Không.
Hướng dẫn sử dụng VNeID thay giấy xác nhận cư trú?
Sau đây là cách bước hướng dẫn sử dụng VNeID thay giấy xác nhận cư trú:
Bước 1: Tải ứng dụng VNeID
- Hệ điều hành Android: Mở ứng dụng CH Play => Tìm VNEID => Chọn Cài đặt để tải ứng dụng VNEID.
- Hệ điều hành IOS: Mở ứng dụng App store => Tìm VNEID => Chọn Cài đặt để tải ứng dụng VNEID.
Bước 2: Mở ứng dụng trên App Store/CH Play và đăng ký tài khoản ứng dụng VNEID.
- Người dân điền số định danh cá nhân và số điện thoại để đăng ký
- Nhập thông tin hợp lệ, ấn Đăng ký thì hiển thị giao diện quét mã QR code thẻ CCCD, người dân đưa mã QR trên thẻ CCCD gắn chip vào khung hình.
Trường hợp quét QR code hợp lệ hệ thống tự động điền các thông tin trong QR code thẻ chip vào mẫu (form) đăng ký tài khoản (Trường hợp Không quét được QR code? hệ thống chuyển sang giao diện Nhập thông tin đăng ký tài khoản. Công dân nhập thông tin còn trống)
- Sau khi ấn nút Đăng ký, hệ thống sẽ gửi yêu cầu xác thực thông tin sang Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Trường hợp Đạt thì hệ thống gửi tin nhắn SMS và thực hiện xác thực (Trường hợp Không đạt sẽ hiển thị thông báo đề nghị công dân điều chỉnh lại thông tin).
- Xác thực OTP, người dân nhập mã OTP được gửi về điện thoại để tiến hành xác thực
- Sau khi xác thực thành công, người dân thiết lập mật khẩu để hoàn thành việc đăng ký.
Bước 3: Đăng nhập tài khoản ứng dụng VNEID
Người dân nhập số định danh cá nhân và mật khẩu vừa đăng ký để đăng nhập tài khoản ứng dụng VNEID.
Bước 4: Đăng ký tài khoản mức 1
- Sau khi đăng nhập, lựa chọn Đăng ký tài khoản mức 1
- Tại màn hình hướng dẫn đăng ký tài khoản mức 1, chọn Bắt đầu
- Chọn Tôi đã hiểu để bắt đầu thực hiện đăng ký tài khoản mức 1
- Thực hiện quét NFC trên thẻ CCCD gắn chíp (đối với thiết bị không hỗ trợ NFC- Công nghệ kết nối không dây tầm ngắn, thì sẽ thực hiện quét mã QR Code trên thẻ CCCD gắn chíp)
- Sau khi quét xong NFC (hoặc QR Code), hiển thị thông tin của người dân, chọn Tiếp tục để tiếp tục thực hiện chụp ảnh chân dung
- Sau khi xem xong video lựa chọn Bỏ qua để tiến hành chụp ảnh chân dung và thực hiện chụp ảnh chân dung theo hướng dẫn
- Người dân kiểm tra lại thông tin, nhập địa chỉ email (không bắt buộc) và chọn Xác nhận thông tin đăng ký để hoàn tất đăng ký tài khoản mức 1.
Bước 5: Kích hoạt tài khoản
- Sau khi công dân đăng ký tài khoản mức 1 xong, người dân kích hoạt bằng các cách chọn Kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên màn hình giới thiệu ứng dụng VNEID hoặc chọn Kích hoạt tại màn hình Đăng nhập
- Người dân nhập số định danh cá nhân và số điện thoại và ấn Gửi yêu cầu thì hệ thống sẽ kiểm tra mức độ tài khoản
- Nếu là tài khoản ứng dụng VNEID sẽ hiển thị thông báo Tài khoản của bạn chưa được định danh điện tử. Nếu là tài khoản mức 1/mức 2 nhưng đã được kích hoạt sẽ hiển thị thông báo Tài khoản của bạn đã thực hiện kích hoạt.
Nếu là tài khoản mức 1/mức 2 chưa kích hoạt, thì sẽ kiểm tra thiết bị đang dùng để kích hoạt.
Bước 7: Kiểm tra thiết bị đang dùng để kích hoạt
- Thiết bị đang dùng để kích hoạt không được gắn với tài khoản mức 1/mức 2 nào sẽ hiển thị thông báo kích hoạt tài khoản.
Hoặc thiết bị đang dùng để kích hoạt đang được kích hoạt để sử dụng với một tài khoản mức 1/mức 2 khác sẽ hiển thị thông báo kích hoạt tài khoản trên thiết bị khác.
- Nhập mã kích hoạt hệ thống gửi về tin nhắn SMS, người dân nhập đúng mã OTP được gửi về số điện thoại đăng ký.
- Thiết lập mật khẩu (Bước này chỉ áp dụng cho các trường hợp công dân chưa có tài khoản trước khi được phê duyệt)
- Thiết lập mật khẩu (passcode): người dân thiết lập passcode gồm 6 chữ số để sử dụng cho các tiện ích trong ứng dụng
- Thiết lập câu hỏi bảo mật: người dân thiết lập 2 câu hỏi và trả lời bất kỳ trong danh mục câu hỏi bảo mật để thực hiện bảo mật tài khoản.
Bước 8: Sau khi kích hoạt tài khoản, người dân mở ứng dụng VNeID và Chọn Ví giấy tờ
Bước 9: Chọn Thông tin cư trú
Bước 10: Đăng nhập mật khẩu để kiểm tra thông tin cư trú, bao gồm:
- Thông tin về hành chính như: Họ tên, số định danh cá nhân, dân tộc, quốc tịch, quê quán…
- Thông tin cư trú: Nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại.
- Thành viên khác trong hộ gia đình: Họ tên, ngày sinh, giới tính, quan hệ với chủ hộ…
Một số tiện ích nổi bật của ứng dụng VNeID?
- Ứng dụng VNeID là ứng dụng được tích hợp cùng các tiện ích của thẻ CCCD gắn chíp.
- Người dân sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1/mức 2 thành công có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNEID như:
+ Giải quyết dịch vụ công trực tuyến: thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng… sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
+ Các tính năng nổi bật: Ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm… giúp công dân có thể thay thế CCCD gắn chíp.
Và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNEID như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…
Theo đó, khi giải quyết thủ tục hành chính người dân sẽ giảm thiểu các giấy tờ phải mang theo, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Những giấy tờ nào giống giấy xác nhận cư trú dùng để thay thế sổ hộ khẩu?
Căn cứ khoản 3 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định
Khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công
...
3. Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.
Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Ngoài giấy xác nhận cư trú thì người dân có thể dùng Căn cước công dân, chứng minh nhân dân và giấy thông báo số định danh cá nhân để xác nhận thông tin cư trú.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giấy xác nhận cư trú có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Luật Khiếu nại mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn thi hành?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Mức tiền thưởng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng năm 2025 là bao nhiêu?
- Trộm cắp điện là gì? Hành vi trộm cắp điện bị xử phạt bao nhiêu tiền?