Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã năm 2023? Diện tích đất của đơn vị hành chính được quy định như thế nào?
Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã năm 2023?
Căn cứ Điều 1 Quyết định 05/2023/QĐ-TTg quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã năm 2023 như sau:
Ban hành kèm theo Quyết định này Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
1. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh gồm danh mục và nội dung của 154 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.
2. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện gồm danh mục và nội dung của 51 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
3. Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp xã gồm danh mục và nội dung của 26 chỉ tiêu thống kê quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định này.
4. Nội dung mỗi chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện gồm khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp. Nội dung mỗi chỉ tiêu thống kê cấp xã gồm khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố và nguồn số liệu.
Như vậy, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã năm 2023 được quy định như sau:
- Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh gồm danh mục và nội dung của 154 chỉ tiêu thống kê.
- Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện gồm danh mục và nội dung của 51 chỉ tiêu thống kê.
- Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp xã gồm danh mục và nội dung của 26 chỉ tiêu thống kê.
Hình ảnh một phần của Danh mục Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã
Xem toàn bộ danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tại: Quyết định 05/2023/QĐ-TTg
Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã năm 2023? Diện tích đất của đơn vị hành chính được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như thế nào?
Theo Điều 2 Quyết định 05/2023/QĐ-TTg quy định các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:
+) Xây dựng, hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin của các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
+) Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời;
+) Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê tập trung thống nhất, đồng bộ về thông tin thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
Xây dựng hệ thống báo cáo điện tử thống nhất từ trung ương đến địa phương, từ sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dẫn cấp huyện đến Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và từ Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê);
+) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành điều tra để tính toán đầy đủ các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện nhằm phục vụ đầy đủ, kịp thời nhu cầu quản lý, điều hành của các cấp địa phương;
+) Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện Quyết định này.
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ bảo đảm thống nhất giữa hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành với hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện.
- Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm:
+) Thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phục vụ quản lý điều hành trên địa bàn;
+) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) xây dựng hệ thống báo cáo điện tử từ sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đến Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+) Bố trí ngân sách địa phương để thu thập thông tin phục vụ yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân các cấp.
Diện tích đất của đơn vị hành chính được quy định như thế nào?
Tại nội dung Hệ thống chỉ tiêu thống kê các tỉnh Phụ lục I Quyết định 05/2023/QĐ-TTg quy định diện tích đất của đơn vị hành chính như sau:
Tổng diện tích đất của đơn vị hành chính được xác định gồm toàn bộ diện tích các loại đất trong phạm vi đường địa giới của từng đơn vị hành chính đã được xác định theo quy định của pháp luật.
Diện tích đất của đơn vị hành chính được lấy theo số liệu do cơ quan tài nguyên môi trường có thẩm quyền công bố. Đối với các đơn vị hành chính có biển, diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính đó gồm diện tích các loại đất của phần đất liền và các đảo, quần đảo trên biển tính đến đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm. Tổng diện tích đất tự nhiên gồm nhiều loại đất khác nhau tùy theo tiêu thức phân loại. Thông thường diện tích đất được phân theo mục đích sử dụng, đối tượng quản lý và sử dụng đất.
(1) Diện tích đất theo mục đích sử dụng là diện tích phần đất có cùng mục đích sử dụng trong phạm vi của đơn vị hành chính gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng.
+) Nhóm đất nông nghiệp là đất sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và bảo vệ, phát triển rừng. Gồm các loại đất:
- Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
- Đất trồng cây lâu năm;
- Đất rừng sản xuất;
- Đất rừng phòng hộ;
- Đất rừng đặc dụng;
- Đất nuôi trồng thủy sản là đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và nước ngọt;
- Đất làm muối là ruộng muối để sử dụng vào mục đích sản xuất muối;
- Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
+) Nhóm đất phi nông nghiệp gồm các loại đất sử dụng vào mục đích không thuộc nhóm đất nông nghiệp, bao gồm:
Đất ở; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất cơ sở tôn giáo; đất tín ngưỡng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối; đất có mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác, cụ thể:
- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị:
+ Đất ở tại nông thôn là đất ở thuộc phạm vi địa giới hành chính các xã, trừ đất ở tại khu đô thị mới đã thực hiện theo quy hoạch phát triển các quận, thành phố, thị xã, thị trấn nhưng hiện tại vẫn thuộc xã quản lý.
+ Đất ở tại đô thị là đất ở thuộc phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn, kể cả đất ở tại các khu đô thị mới đã được thực hiện thuộc phạm vi quy hoạch phát triển của các quận, thành phố, thị xã đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng đến thời điểm thống kê, kiểm kê vẫn do xã quản lý.
- Đất xây dựng trụ sở cơ quan gồm đất trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
- Đất sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh gồm đất sử dụng vào các mục đích quy định tại Điều 61 của Luật Đất đai.
- Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác.
- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
- Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (đất cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác.
- Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo; trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
- Đất tín ngưỡng bao gồm đất có các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.
- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng là đất để làm nơi mai táng tập trung, đất có công trình làm nhà tang lễ và công trình để hỏa táng.
- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối là đất có mặt nước của các đối tượng thủy văn dạng tuyến không có ranh giới khép kín để tạo thành thửa đất được hình thành tự nhiên hoặc nhân tạo phục vụ cho mục đích thoát nước, dẫn nước.
- Đất có mặt nước chuyên dùng là đất có mặt nước của các đối tượng thủy văn dạng ao, hồ, đầm có ranh giới khép kín để hình thành thửa đất, thuộc phạm vi các đô thị và các khu dân cư nông thôn hoặc ngoài khu đô thị, khu dân cư nông thôn nhưng không sử dụng chuyên vào mục đích chuyên nuôi trồng thủy sản, thủy điện, thủy lợi.
- Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.
+) Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng, cụ thể:
- Đất bằng chưa sử dụng là đất chưa sử dụng tại vùng bằng phẳng ở đồng bằng, thung lũng, cao nguyên.
- Đất đồi núi chưa sử dụng là đất chưa sử dụng trên đất dốc thuộc vùng đồi, núi.
- Núi đá không có rừng cây là đất chưa sử dụng ở dạng núi đá mà trên đó không có rừng cây.
(2) Diện tích đất theo tiêu thức đối tượng quản lý và sử dụng đất
- Đối tượng sử dụng đất là người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc đang sử dụng đất chưa được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, gồm:
Hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức trong nước; tổ chức nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đối tượng được giao quản lý đất là tổ chức trong nước, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được Nhà nước giao đất để quản lý trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Luật Đất đai 2013.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?