Chồng tôi lái xe tải, chẳng may tông chết một thanh niên đi xe gắn máy ngược chiều khi anh này đi lấn sang làn đường của chồng tôi đang đi. Sau khi xảy ra tai nạn, tôi thay mặt chồng tôi đến chia buồn và đã đưa cho gia đình nạn nhân 50 triệu đồng để lo ma chay cũng như chia sẻ phần nào sự mất mát của vợ con nạn nhân.
Tuy nhiên, vợ của nạn nhân không đồng ý viết giấy bãi nại cho chồng tôi mà yêu cầu gia đình tôi phải đưa 100 triệu đồng nữa thì mới viết. Xin hỏi nếu tôi không đưa tiếp 100 triệu đồng và gia đình nạn nhân không chịu viết giấy bãi nại thì chồng tôi có bị bắt đi tù hay không?
Theo điều 202 Bộ luật hình sự, người nào vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì tùy hậu quả gây ra có thể chịu các hình phạt: phạt tiền, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 15 năm (nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng). Như vậy, để xử lý về tội này trước tiên cơ quan điều tra phải điều tra hiện trường để xác định lỗi của người lái xe (là chồng bạn). Không phải tất cả trường hợp lái xe gây chết người thì người lái xe đều bị xử lý hình sự mà còn phải điều tra xem người lái xe có lỗi, có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không.
Trường hợp này cần làm rõ chồng bạn có uống rượu khi lái xe? Có đi đúng phần đường của mình? Có đảm bảo xử lý tình huống đúng quy định hay không? Nói chung là cần phải làm rõ chồng của bạn có chấp hành đúng quy định của Luật giao thông đường bộ hay không, nạn nhân có chấp hành đúng quy định về an toàn giao thông hay không.
Nếu chồng bạn là người có lỗi trong tai nạn này thì chồng bạn mới bị xử lý về tội “vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ”. Còn nếu qua điều tra hiện trường, công an xác định người thanh niên hoàn toàn có lỗi trong vụ việc dẫn đến gây tai nạn cho chính mình thì hành vi của chồng bạn không cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn giao thông.
Thông tin bạn cho rằng chồng bạn đi đúng phần đường nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được làm rõ như vận tốc xe của chồng bạn ra sao? Chồng bạn có đảm bảo xử lý tình huống đúng quy định khi bất ngờ gặp vật cản hay không… Do vậy:
- Nếu công an xác định chồng bạn không có lỗi: việc gia đình bạn hỗ trợ tiền ma chay cho gia đình nạn nhân chỉ là vấn đề tình cảm, tình người với nhau.
- Trường hợp công an xác định hành vi của chồng bạn cấu thành tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thì dù gia đình nạn nhân có đơn bãi nại, cơ quan điều tra vẫn khởi tố chồng bạn (bởi tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ không phải là tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu bị hại theo quy định tại điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự).
Trường hợp này giấy bãi nại của gia đình nạn nhân được xem là tình tiết giảm nhẹ như quy định tại điều 46 Bộ luật hình sự mà chồng bạn được hưởng khi bị xét xử. Trường hợp gia đình nạn nhân không viết đơn bãi nại cho chồng bạn thì việc bạn thay mặt chồng hỗ trợ tiền ma chay cho gia đình nạn nhân cũng có thể được tòa xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho chồng bạn vì "bồi thường thiệt hại" hoặc "khắc phục hậu quả" việc phạm tội.
Khi xét xử, tòa cũng căn cứ các quy định của Bộ luật hình sự, dân sự để quyết định cụ thể mức bồi thường mà người phạm tội bồi thường cho gia đình nạn nhân là bao nhiêu.