Ban hành quyết định cá biệt của Uỷ ban nhân dân xã

Gia đình ông B và gia đình ông H là láng giềng của nhau, cùng cư trú tại địa bàn xã D nhưng quan hệ giữa hai gia đình này từ lâu đã không được tốt đẹp và luôn tiềm ẩn những xích mích, mâu thuẫn. Ngày 10/7/2006, sau một lúc lời qua tiếng lại, cả hai ông B và H đã lao vào ẩu đả nhau, hàng xóm đã kịp thời ngăn chặn và báo cho Công an xã D đến lập biên bản sự việc xảy ra. Trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính do Công an xã lập, ngày 11/7/2006, Uỷ ban nhân dân đã triệu tập các đương sự lên xã phê bình, kiểm điểm, đồng thời Chủ tịch xã D ban hành Quyết định số 18/QĐ-UB xử phạt ông B và ông H mỗi người 200.000 đồng. Nhằm răn đe những sự việc tương tự có thể xảy ra, trong Quyết định này có nêu rõ “những trường hợp ẩu đả tương tự mỗi bên đều sẽ phải nộp phạt 200.000 đồng”. Sau khi thực hiện việc xử phạt, Quyết định xử phạt này được dán công khai trên bảng tin tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã. Quyết định số 18/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân xã D có phù hợp không?

Trong vụ việc nói trên, hành vi xô xát, đánh nhau của ông B và ông H đã cấu thành vi phạm hành chính gây rối trật tự công cộng. Hành vi này cần phải được xử phạt kịp thời, đúng mức để răn đe đối tượng, tạo hiệu quả giáo dục, ngăn ngừa với đối tượng và cộng đồng. Trong tình huống này thì Uỷ ban nhân dân xã D đã ra Quyết định xử phạt ông B và ông H mức phạt tiền 200.000 đồng/người. Việc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã D ban hành Quyết định này là thực hiện thẩm quyền ban hành văn bản cá biệt mà Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính quy định đối với chức danh này (theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này).
Tuy nhiên, trong Quyết định nói trên lại có quy định “Những trường hợp ẩu đả tương tự mỗi bên đều sẽ phải nộp phạt 200.000 đồng”. Đây là quy định có tính quy phạm (thiết lập nên quy tắc xử sự chung, dự kiến áp dụng với nhiều đối tượng). Trong khi đó, quyết định xử phạt ông B và ông H là quyết định nhằm vào đối tượng cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể, và chỉ áp dụng một lần nên đây là một quyết định hành chính cá biệt. Mặt khác, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là chức danh không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, nội dung của văn bản hành chính do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ban hành đúng thẩm quyền của mình không được chứa các quy phạm pháp luật. Việc đưa quy định có tính quy phạm vào văn bản này trái với quy định pháp luật hiện hành. Do đó, văn bản này cần được huỷ bỏ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã D cần ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
247 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào