Biện pháp xử lý đối với hành vi buôn bán, lưu hành văn hóa phẩm có nội dung đồi trụy

Ngày 25/10/2005, lực lượng thanh tra của xã X, huyện Y, tỉnh H đã tiến hành kiểm tra trên địa bàn xã X và phát hiện tại quầy bán sách báo của ông Nguyễn Văn Y đang bày bán một số truyện, tranh ảnh, đĩa hình có nội dung khiêu dâm, gồm: - 15 quyển truyện có tổng giá trị là 250.000 đồng (theo giá in trên bìa sách); - 05 đĩa hình có tổng giá trị là 50.000 đồng (theo giá ghi trên mỗi đĩa hình); - 10 bức ảnh có giá trị là 50.000 đồng (theo giá ghi trên mỗi bức). Qua kiểm tra xác minh cho thấy trước đó, vào ngày 20/11/2004, ông Nguyễn Văn Y đã bị lực lượng thanh tra văn hóa của tỉnh H xử phạt vi phạm hành chính về hành vi mua bán văn hóa phẩm đồi trụy. Chủ tịch UBND xã X sẽ giải quyết tình huống trên như thế nào?

Đây là tình huống vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm thường xảy ra ở các địa phương. Để giải quyết tình huống đúng pháp luật, cần phải xác định thẩm quyền của UBND xã trong việc xử lý vi phạm được quy định tại Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003; Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; Nghị định số 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và phòng, chống một số tệ nạn xã hội.

Xác định hành vi vi phạm từ đó xem xét có đủ điều kiện để xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Y không?

- Điều 16 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sản xuất, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, phổ biến những hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục”.

- Điều 21 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, dịch vụ văn hóa, bưu chính, viễn thông mà có hành vi phổ biến, tàng trữ, lưu hành các hình ảnh, vật phẩm, sản phẩm, thông tin có nội dung và hình thức đồi trụy, khiêu dâm, kích động tình dục thì bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin. Ngoài việc bị phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.

- Điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định số 88/CP quy định: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán sách, báo, tranh, ảnh, lịch hoặc cho thuê sách, báo có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

- Khoản 1 Điều 253 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo khômg giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;

b) Phổ biến cho nhiều người;

c) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

- Trong tình huống này, ông Nguyễn Văn Y đã có hành vi mua bán, truyền bá sách truyện, tranh ảnh, đĩa hình có nội dung đồi trụy. Tổng giá trị của số tang vật bị phát hiện là 350.000 đồng. Đối chiếu hành vi với quy định nêu trên, có thể kết luận ông Nguyễn Văn Y không những đã vi phạm hành chính mà còn có dấu hiệu vi phạm điểm c khoản 1 Điều 253 Bộ luật Hình sự năm 1999. Như vậy, không thể áp dụng biện pháp xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Y.

Thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Y

- Khoản 6 Điều 14 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm phải xử phạt đúng thẩm quyền, đối với những hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý hoặc có dấu hiệu tội phạm thì phải tiến hành lập biên bản và chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền”.

- Khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 quy định: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan An ninh điều tra trong Công an nhân dân”. Như vậy, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y có thẩm quyền thụ lý điều tra đối với hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Y.

Các bước mà UBND xã X cần tiến hành trong thẩm quyền của mình

- Lực lượng thanh tra lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Y về hành vi mua bán văn hóa phẩm đồi trụy;

- Chủ tịch UBND xã ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính đối với số văn hóa phẩm đồi trụy nêu trên và ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với ông Nguyễn Văn Y;

- Chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y (theo quy định tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP).

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
306 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào