Quyền bình đẳng của vợ chồng trong quyết định việc cho con chung làm con nuôi người khác

Năm 2004, vợ chồng anh Đông và chị Đoài xin ly hôn. Khi giải quyết ly hôn, Toà án công nhận sự thoả thuận của vợ chồng anh chị về việc chị Đoài được giao trực tiếp nuôi cháu Hoa, con chung của anh chị. Anh Đông không phải thực hiện việc cấp dưỡng đóng góp việc nuôi cháu Hoa. Sau khi ly hôn, anh Đông chuyển đi nơi khác sinh sống. Do hoàn cảnh khó khăn đồng thời muốn kết hôn với người khác nên chị Đoài cho cháu Hoa làm con nuôi vợ chồng chị Bắc. Chị Đoài cùng vợ chồng chị Bắc đến UBND xã để đăng ký nuôi con nuôi. UBND xã từ chối việc đăng ký nuôi con nuôi với lý do cần có sự đồng ý của cha đẻ cháu bé. Chị Đoài đưa bản Quyết định công nhận thuận tình ly hôn ra và nói rằng, anh Đông từ lâu không có trách nhiệm nuôi dưỡng cháu Hoa, nên mọi vấn đề liên quan đến cháu Hoa sẽ do chị quyết định. Vậy, UBND xã giải quyết vụ việc này như thế nào?

Trong tình huống nói trên, việc UBND xã từ chối đăng ký nuôi con nuôi do không có mặt của anh Đông, cha đẻ cháu Hoa khi làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi là đúng vì đăng ký nuôi con nuôi là việc Nhà nước công nhận xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, đồng thời làm chấm dứt quan hệ về quyền và nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con.

Theo quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, việc nhận người chưa thành niên làm con nuôi bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ đẻ của người đó. Cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ được cho làm con nuôi có quyền ngang nhau trong việc quyết định có cho trẻ làm con nuôi hay không. Việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi chỉ được thực hiện khi cả cha đẻ và mẹ đẻ của cháu bé thể hiện sự đồng ý bằng cam kết trong Giấy thoả thuận về việc cho và nhận con nuôi.

Trong trường hợp này, cháu Hoa là trẻ chưa thành niên và cả cha đẻ, mẹ đẻ đều còn sống nên việc cho cháu làm con nuôi vợ chồng chị Bắc bắt buộc phải có sự đồng ý của cả anh Đông và chị Đoài. Mặc dù sau khi ly hôn, chị Đoài được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con, và anh Đông không có trách nhiệm thực hiện việc cấp dưỡng đóng góp nuôi con nhưng điều đó không có nghĩa là anh Đông không còn quyền làm cha đối với cháu Hoa. Quan hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con là quan hệ tự nhiên, tồn tại bất biến, không thể bị chấm dứt. Do đó, lý do chị Đoài nêu là không hợp lý.

Để quan hệ nuôi con nuôi giữa vợ chồng chị Bắc và cháu Hoa có thể xác lập, UBND xã cần yêu cầu vợ chồng anh Bắc và chị Đoài mời anh Đông, cha đẻ cháu Hoa đến làm thủ tục và thể hiện sự tự nguyện đồng ý cho cháu Hoa làm con nuôi bằng việc:

- Thể hiện sự đồng ý và ký vào Giấy thoả thuận đồng ý về việc cho và nhận con nuôi;

- Có mặt tại trụ sở UBND xã để thể hiện sự tự nguyện đồng ý cho cháu Hoa làm con nuôi khi đăng ký việc cho và nhận con nuôi.

Trong trường hợp, anh Đông không đồng ý cho cháu Hoa làm con nuôi, thì quan hệ nuôi con nuôi không thể xác lập. Nếu chị Đoài không có điều kiện để tiếp tục nuôi con thì anh Đông và chị Đoài có thể yêu cầu Toà án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
261 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào