Điều kiện để sinh viên luật trở thành công chứng viên là gì?
Sinh viên luật trở thành công chứng viên thì cần điều kiện gì?
Hiện là sinh viên năm nhất chuyên ngành Luật Kinh tế. Ngay từ những ngày đầu học Luật tôi đã xác định là mình phải trở thành công chứng viên. Chính vì vậy, tôi muốn nhờ Ban biên tập cung cấp cho tôi những thông tin về quá trình trở thành Công chứng viên của sinh viên Luật sau khi ra trường. Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định hiện hành của pháp luật nước ta thì Công chứng viên là người hội đủ các tiêu chuẩn và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
** Cụ thể, về tiêu chuẩn, căn cứ theo Điều 8 Luật Công chứng 2014 thì sinh viên Luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì sẽ được xem xét, bổ nhiệm làm công chứng viên:
- Có bằng cử nhân luật;
- Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng;
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
- Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Như vậy, để sinh viên Luật có thể được bổ nhiệm làm Công chứng viên thì bạn cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu trên.
** Về quá trình:
- Sinh viên Luật phải thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và ra trường có bằng Cử nhân Luật, sau đó phải có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức khi có bằng Cử nhân và phải đảm bảo sức khỏe để có thể hành nghề công chứng.
- Nếu bạn hội đủ các tiêu chuẩn cơ bản trên thì bạn cần tiến hành tham dự khóa đào tạo nghề công chứng tại Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp trong vòng 12 tháng để được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.
- Sau khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng thì bạn phải tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng trog vòng 12 tháng. Thời gian này được tính từ ngày bạn đăng ký tập sự tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự.
** Lưu ý: Nếu bạn không tự liên hệ được với một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự về việc tập sự tại tổ chức đó thì bạn có thể đề nghị Sở Tư pháp ở địa phương nơi mình muốn tập sự bố trí tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự.
Khi hết thời gian tập sự, người tập sự hành nghề công chứng phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả tập sự có nhận xét của công chứng viên hướng dẫn và xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự gửi đến Sở Tư pháp nơi mình đã đăng ký tập sự; được đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.
- Cuối cùng, khi đã hội đủ các điều kiện nêu trên thì bạn làm 01 (một) bộ hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi người đó đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm; nếu từ chối đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.
Sau đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối bổ nhiệm phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm.
Điều kiện để sinh viên luật trở thành công chứng viên là gì? (Hình từ Internet)
Công chứng viên sau khi được bổ nhiệm công chứng viên có thể làm việc ở những vị trị nào?
Công chứng viên sau khi được bổ nhiệm công chứng viên có thể làm việc ở những vị trị nào? Đang tìm hiểu quy định của pháp luật về hoạt động công chứng, chứng thực. Nhưng có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là công chứng viên sau khi được bổ nhiệm công chứng viên có thể làm việc ở những vị trị nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Công chứng viên sau khi được bổ nhiệm công chứng viên có thể làm việc ở những vị trị quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Công chứng 2014, cụ thể như sau:
- Công chứng viên của các Phòng công chứng;
- Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng;
- Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng.
Trên đây là nội dung câu trả lời về những vị trí mà công chứng viên sau khi được bổ nhiệm công chứng viên có thể làm việc. Để hiểu rõ và chi tiết và rõ hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Luật Công chứng 2014.
Công chứng viên được miễn nhiệm khi nào?
Tôi được Bộ tư pháp bổ nhiệm công chứng viên, tôi đã làm công chứng viên đến nay đã được 12 năm. Hiện nay tôi muốn ra ngoài làm và không muốn làm công chứng viên nữa. Vậy tôi có được xin Sở tư pháp miễn nhiệm đối với tôi hay không?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì căn cứ vào tình hình thực tế mà công chứng viên có thể được miễn nhiệm theo nguyện vọng hoặc bị miễn nhiệm trong các trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật.
Trong đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Công chứng 2014 thì công chứng viên được miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
- Theo nguyện vọng của công chứng viên;
- Công chứng viên chuyển làm công việc khác.
Công chứng viên nộp đơn đề nghị miễn nhiệm tại Sở Tư pháp ở nơi mình đăng ký hành nghề. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị miễn nhiệm của công chứng viên, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị kèm theo đơn đề nghị miễn nhiệm của công chứng viên gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn nhiệm công chứng viên của Sở tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định việc miễn nhiệm công chứng viên.
Như vậy, kết luận:
Đối với trường hợp của bạn đã được bổ nhiệm làm công chứng viên mà có nguyện vọng xin miễn nhiệm công chứng viên thì bạn làm đơn đề nghị miễn nhiệm tại Sở Tư pháp ở nơi mình đăng ký hành nghề để được giải quyết.
Trình tự, thủ tục miễn nhiệm được thực hiện theo quy định đã được trích dẫn trên đây.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Đại hội nào của Đảng ta quyết định chọn ngày 3 2 hàng năm là ngày kỉ niệm thành lập Đảng?