Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm như thế nào?
- Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh là gì?
- Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện việc phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?
- Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh là gì?
Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh là gì?
Tại khoản 2 Điều 7 Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND Thành phố Hồ Chí Minh quy định về trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
2. Trách nhiệm của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng
a) Tham mưu, giúp việc cho Giám đốc Sở Xây dựng về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố; Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Giám đốc Sở Xây dựng về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.
b) Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại Khoản 1 Điều này.
c) Có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, kiến nghị Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
d) Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố trong việc thực thi công vụ; đề xuất Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức, cá nhân được phân công quản lý trật tự xây dựng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.
đ) Tham mưu Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
e) Thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác có liên quan.
g) Tham mưu Giám đốc Sở Xây dựng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp vượt thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng; rà soát hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển đến, tham mưu Giám đốc Sở Xây dựng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp vượt thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh có các nhiệm vụ nêu trên theo quy định,
Quản lý trật tự xây dựng (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện việc phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 8 Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND Thành phố Hồ Chí Minh quy định về nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện việc phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1. Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
b) Kiểm tra, đôn đốc Đội Thanh tra địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị liên quan thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý trật tự xây dựng.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn Thành phố theo quy định pháp luật.
d) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Đội Thanh tra địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
đ) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền do Đội Thanh tra địa bàn hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
e) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời ngăn chặn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, không để hành vi vi phạm tiếp diễn sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính hoặc quyết định xử phạt của cấp có thẩm quyền.
g) Tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
h) Lập phương án cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng theo quy định, chuyển Sở Xây dựng thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt (đối với quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành) hoặc Sở Xây dựng phê duyệt (đối với quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành); phê duyệt phương án cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng theo quy định (đối với quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành).
Sau khi nhận được phương án tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng theo quy định. Hàng năm, căn cứ kết quả thu chi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính và đánh giá khả năng thực hiện năm hiện hành, lập dự toán chi tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm và đảm bảo hoạt động của các lực lượng xử phạt theo quy định của Bộ Tài chính, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí dự toán theo quy định.
i) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng trên địa bàn.
k) Kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng của cấp có thẩm quyền đối với các công trình xây dựng trên địa bàn.
l) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo đề nghị của Sở Xây dựng và các cơ quan thanh tra, kiểm tra để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
m) Cử cán bộ tham gia các hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
n) Xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nhưng không kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định.
o) Thực hiện việc phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến xây dựng, đất đai và thực hiện công tác phối hợp, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng theo quy định.
p) Chủ động phối hợp với các Sở, ngành có liên quan rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
q) Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng; chấn chỉnh công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép.
r) Chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan Công an để có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đến mức phải xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Có cơ chế định kỳ trao đối với cơ quan Công an về tình hình các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng để có biện pháp phối hợp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
s) Thống kê, báo cáo theo định kỳ (03 tháng, 06 tháng, 09 tháng, 01 năm) hoặc đột xuất về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Xây dựng.
Ủy ban nhân dân cấp huyện việc phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có các nhiệm vụ nêu trên theo quy định.
Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh là gì?
Tại khoản 2 Điều 8 Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND Thành phố Hồ Chí Minh quy định về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
2. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại Khoản 1 Điều này.
c) Kiểm tra, đôn đốc, giám sát Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; xem xét trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ, công chức dưới quyền không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.
d) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các quy định khác có liên quan.
đ) Hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trong trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (thông qua Sở Xây dựng).
e) Tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
g) Đề xuất Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với Đội Thanh tra địa bàn trong trường hợp buông lỏng địa bàn quản lý để công trình vi phạm trật tự xây dựng không được kiểm tra, xử lý theo quy định.
h) Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp phù hợp thực tế địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc quản lý trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệmtoàn diện trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ. Kiểm tra, đôn đốc, giám sát Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
+ Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trong trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt. Tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Đề xuất Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với Đội Thanh tra địa bàn trong trường hợp buông lỏng địa bàn quản lý để công trình vi phạm trật tự xây dựng không được kiểm tra, xử lý theo quy định. Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp phù hợp thực tế địa phương nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Quản lý trật tự xây dựng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- 7 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Tháng 2 2025 có ngày lễ nào ở Việt Nam NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?
- Lương của người lao động tăng bao nhiêu khi hết thời gian thử việc?
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì? Báo cáo thuyết minh bản đồ hiện trạng sử dụng đất gồm những nội dung gì?