Bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì cha mẹ có được thỏa thuận về quyền nuôi con nữa không?
Cha mẹ có được thỏa thuận về quyền nuôi con nữa không khi bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật?
Trường hợp vợ chồng đã ly hôn, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì cha mẹ có được thỏa thuận về quyền nuôi con nữa không? Mong sớm nhận phản hồi thông tin.
Trả lời:
Tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có quy định:
Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
- Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
+ Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
- Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
+ Người thân thích;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
+ Hội liên hiệp phụ nữ.
Như vậy, theo quy định trên thì dù bản án ly hôn đã có hiệu lực thì các bên vẫn được quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc ai trực tiếp nuôi con, hoặc khi bên có quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con trước đây không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng con nữa.
Bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật thì cha mẹ có được thỏa thuận về quyền nuôi con nữa không? (Hình từ Internet)
Có được giành lại quyền nuôi con khi nhà vợ có người đi tù về?
Vợ tôi nuôi con bé mới 9 tháng tuổi nhưng gia đình bên vợ tôi lại có người tù tội con tôi phải sống chung vậy tôi có thể dành quyền nuôi con được không? Tôi và vợ trước đây ly hôn và Tòa án giao con cho vợ nuôi.
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì về nguyên tắc khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức (bao gồm: người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; hội liên hiệp phụ nữ) Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
- Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người chồng chỉ có quyền yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có một trong hai căn cứ:
- Người chồng đã thỏa thuận lại với người vợ (đang trực tiếp nuôi con) về việc giao cho chồng trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.
- Vợ đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trường hợp gia đình bên vợ tôi lại có người tù về sống chung không được xác định là căn cứ để Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Do đó: Bạn không thể căn cứ vào lý do gia đình bên vợ tôi lại có người tù về sống chung để dành quyền nuôi con.
Tư vấn giành lại quyền nuôi con sau ly hôn?
Xin chào mọi người. Mình có một vấn đề muốn nhờ tư vấn. Rất mong được mọi người hỗ trợ.
1. Mình hoàn tất thủ tục ly hôn vào tháng 6/2018. Trong quyết định ly hôn con sẽ do chồng mình nuôi mà ko cần cấp dưỡng từ mẹ. Về quyền thăm nuôi thì làm sao cho đảm bảo quyền lợi của bé. Tuy nhiên trước đó khi thỏa thuận ly hôn hai bên thỏa thuận bằng tin nhắn trên điện thoại là 3 năm mình sẽ đón bé ăn tết với mình 1 lần, mỗi năm đến hè mình sẽ đón bé vào chơi. Khi lên làm thủ tục tại tòa, mình có hỏi có được ghi rõ như vậy hay không thì tòa nói ko được ghi.
2. Sau khi hoàn tất thủ tục tại tòa thì chồng cũ của mình liền không đồng ý cho mình đón bé khi tết và hè. Còn thường xuyên nhắn tin với nội dung không cho mình gặp con, yêu cầu không được lại gần con. Mình có gọi điện muốn gặp thì luôn lấy lý do đi làm xa hoặc bận này nọ. Thi thoảng con mình đòi thì anh ta mới gọi để mình được nói chuyện với con. Mình chỉ có tin nhắn chồng cũ mình gửi ngoài ra không còn chứng cứ nào khác. Trước khi ly hôn thì hay nhận được tin nhắn đe dọa không cho mình được gặp con.
3. Hiện tại mình muốn thay đổi quyền nuôi con. Chồng cũ của mình đã có vợ mới từ tháng 9/2018. Công việc là lái xe nên thường xuyên phải đi xa. Có nhà riêng xây khi hai bên đang làm thủ tục ly hôn. Mình hiện tại làm lương tháng 9tr. Ở trọ tại TP HCM. Với các điều kiện như vậy thì khả năng mình được nuôi con là khoảng bao nhiêu? Con mình từ nhỏ đã ở nhà nội do bên nội không đồng ý cho con về thăm ngoại. Anh ta sẽ không cho con về ngoại đến khi con đủ tuổi trưởng thành.
Trả lời:
Đối với vấn đề thăm gặp con:
Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, việc chồng cũ cản trở quyền thăm con, không cho con về nhà ngoại là trái với quy định nêu trên. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, chồng cũ bạn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đối với vấn đề giành lại quyền nuôi con:
Theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, hiện tại bạn chỉ được giành lại quyền nuôi con chỉ khi chồng cũ bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Việc chồng bạn lấy vợ mới là chưa đủ căn cứ để chứng minh.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?