Liệt sĩ có được quyền hưởng thừa kế?
Ðiều 631 và Điều 632 Bộ luật Dân sự quy định về quyền thừa kế của cá nhân như sau: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo quy định trên thì bất kỳ người nào cũng có quyền được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Và chú bạn cũng có quyền hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất theo quy định. Tuy nhiên, câu hỏi của bạn không nêu rõ ràng về việc: người để lại di sản thừa kế là ai, người đó có để lại di chúc hay không, chú bạn đã chết trước hay chết sau người để lại di sản… Do vậy, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số quy định của pháp luật có liên quan đến trường hợp của bạn để bạn tham khảo và áp dụng vào trường hợp của mình.
Tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết) thì di sản do người đó để lại được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật. Và người thừa kế được xác định như sau:
- Là người được người để lại di sản định đoạt theo di chúc (nếu có di chúc).
-Là người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự: những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Khi xác định người thừa kế nêu trên thì còn phải căn cứ theo các quy định sau:
- Quy định tại Ðiều 635 Bộ luật Dân sự về người thừa kế: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
- Quy định tại Ðiều 641 Bộ luật Dân sự về việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm: Trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Ðiều 677 của Bộ luật này.
(Ðiều 677 Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị: Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống).
Từ quy định nêu trên thì chúng tôi có thể giả định hai trường hợp như sau:
1. Trường hợp thứ nhất: Chú bạn được hưởng di sản thừa kế theo di chúc của người để lại di sản:
* Nếu tại thời điểm mở thừa kế, chú bạn còn sống thì chú bạn sẽ được hưởng di sản theo di chúc đó. Nay do chú bạn đã hi sinh nên phần di sản mà chú được hưởng sẽ được chia cho các thừa kế của chú theo di chúc (nếu chú để lại di chúc) hoặc theo pháp luật (theo Điều 676 Bộ luật Dân sự nêu trên).
* Nếu tại thời điểm mở thừa kế, chú bạn đã hi sinh thì chú bạn sẽ không được hưởng di sản theo di chúc. Và phần di sản mà người để lại di sản đã định đoạt cho chú bạn được hưởng theo di chúc sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế của người để lại di sản (căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự).
2. Trường hợp chú bạn được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
* Nếu tại thời điểm mở thừa kế, chú bạn còn sống thì chú bạn được hưởng di sản theo quy định của pháp luật. Nay do chú bạn đã hi sinh nên phần di sản mà chú được hưởng đó sẽ được chia cho các thừa kế của chú theo di chúc (nếu chú để lại di chúc) hoặc theo pháp luật (theo Điều 676 Bộ luật Dân sự nêu trên).
* Nếu tại thời điểm mở thừa kế, chú bạn đã hi sinh thì chú bạn không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.Phần di sản mà chú bạn được hưởng sẽ được chia như sau:
- Nếu người để lại di sản là bố, mẹ của chú thì phần di sản mà lẽ ra chú được hưởng nếu còn sống sẽ được chia cho các con của chú (theo quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự về thừa kế thế vị).
- Nếu người để lại di sản không phải là bố, mẹ của chú, mà là những người khác như vợ chú hay anh chị em của chú … thì phần di sản mà chú được hưởng nếu còn sống sẽ được chia cho những đồng thừa kế khác của người để lại di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc được hưởng di sản hoặc không được hưởng di sản theo những trường hợp nêu trên thì chú bạn còn có thể không được hưởng di sản nếu thuộc các trường hợp sau:
- Nếu chú đã từ chối nhận di sản theo Điều 642 Bộ luật Dân sự:
+ Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
+ Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
+ Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.
- Nếu chú bạn là người không được quyền hưởng di sản theo Ðiều 643 Bộ luật Dân sự: Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
+ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
+ Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Những người quy định trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Trên đây là quy định pháp luật có liên quan để bạn tham khảo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu giấy xác nhận tuổi Đảng mới nhất 2024 và hướng dẫn cách ghi?
- Diện tích tối thiểu tách thửa đất ở tỉnh Quảng Ninh là bao nhiêu mét vuông?
- 20 khẩu hiệu tuyên truyền Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2024?
- Lịch âm dương Tháng 11 2024 đầy đủ, chi tiết? Nước ta có ngày lễ lớn nào theo Lịch âm dương Tháng 11 2024 không?
- Tổng hợp Đề thi giữa kì 1 Toán 4 Cánh diều có đáp án tham khảo năm 2024-2025?