Di chúc miệng được viết ra mà không được chứng thực chữ ký có hợp pháp không?
Di chúc miệng không được chứng thực chữ ký có hợp pháp hay không?
Bác tôi hiện nay do sức khỏe yếu nên không thể lập di chúc bằng giấy nên có nhờ hai người làm chứng để lập di chúc miệng. Sau khi được người làm chứng viết lại lời di chúc thì bản di chúc được hai người làm chứng ký tên vào. Vậy trong trường hợp này di chúc không có chứng thực chữ ký thì có hợp pháp không? Mong ban biên tập hỗ trợ.
Trả lời:
Theo Khoản 5 Điều 630 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Như vậy di chúc miệng được người làm chứng viết ra và ký tên vào phải được chứng thực chữ ký bởi cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì bản di chúc đó mới được xem là hợp pháp.
Người lập di chúc miệng còn sống thì di chúc có hiệu lực không?
Bác em không may bị tai nạn giao thông, lúc bác nguy kịch thì có di chúc miệng để lại tài sản cho 3 người con và vợ, có người làm chứng. Sau đó thì người làm chứng có ghi lại lời bác và đi chứng thực. Tuy nhiên đến nay đã 3 tháng, bác qua cơn nguy kịch và tỉnh lại. Bây giờ bác sức khỏe ổn định, minh mẫn. Vậy di chúc có hiệu lực không?
Trả lời:
Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di chúc miệng như sau:
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy sau thời gian 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà bác bạn vẫn còn sống, minh mẫn và sáng suốt thì di chúc miệng này mặc nhiên bị hủy bỏ, tức là không có hiệu lực bạn nhé.
Cháu có được làm chứng cho việc lập di chúc của ông không?
Ông nội em muốn lập di chúc và kêu em là người làm chứng vì ông tin tưởng em. Cho em hỏi: cháu có được làm chứng cho việc lập di chúc của ông không ạ?
Trả lời:
Điều 632 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Mà theo Điểm b Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì cháu ruột là người thừa kế theo pháp luật, thuộc hàng thừa kế thứ hai của ông nội.
Như vậy, cháu ruột không được là người làm chứng cho việc lập di chúc của ông.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?