Giá trị pháp lý của giấy vay tiền (không có chữ ký của người chồng bên vay)
Hợp đồng dân sự có giá trị pháp lý hay không thì trước tiên phải đáp ứng được điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự, cụ thể như sau: Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
- Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Về những vấn đề bạn nêu thì chúng tôi xin trả lời như sau:
Thứ nhất, về hình thức của hợp đồng, giữa hai bạn đã giao kết với nhau Hợp đồng vay tiền - là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bộ luật Dân sự không quy định Hợp đồng vay tiền nói riêng và hợp đồng vay tài sản nói chung phải tuân theo một hình thức bắt buộc, do vậy hình thức của hợp đồng này được thực hiện theo quy định về hình thức của hợp đồng dân sự nói chung. Theo Ðiều 401 Bộ luật Dân sự: Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, việc hai bạn đã viết giấy vay tiền chính là một hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng vay tài sản.
Thứ hai, về chủ thể ký hợp đồng vay tiền. Pháp luật không quy định khi giao kết hợp đồng dân sự là hợp đồng vay tài sản phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Nên người bạn của bạn có quyền tự mình lập và ký hợp đồng vay tiền với bạn mà không cần có sự đồng ý của chồng chị đó. (Mặc dù hợp đồng do một mình người vợ ký nhưng Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện: Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình. Nếu đúng trường hợp này thì bạn vẫn có quyền yêu cầu cả chồng chị bạn thực hiện nghĩa vụ liên đới của hai vợ chồng). Và đương nhiên hợp đồng của bạn vẫn có giá trị pháp lý khi ra tòa, và làm căn cứ để chứng minh nghĩa vụ của người bạn đó đối với bạn - là nghĩa vụ trả nợ theo Điều 474 Bộ luật Dân sự:
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Ðịa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thỏa thuận.
- Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Địa điểm bán pháo hoa Bộ Quốc phòng (pháo hoa Z121) tại TP Đà Nẵng?
- Bộ Đề thi GDCD lớp 7 cuối học kì 1 có đáp án năm 2024-2025?
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 tỉnh Long An?
- Link Bình chọn WeChoice Awards 2024 https wechoice vn? Hạn WeChoice Awards 2024 Vote đến ngày mấy?
- Trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là gì?