Tình huống số 2 về bồi thường thiệt hại ngoài hợ đồng

Tại phòng làm việc của Giám đốc Công ty dịch vụ xuất khẩu lao động. Giám đốc đang ngồi làm việc thì nhân viên chạy vào. NV: Dạ thưa, có một người phụ nữ muốn gặp anh ạ GĐ: Ai thế, cho vào đi, nhưng bảo họ tôi không có nhiều thời gian đâu, tôi sắp phải đi bây giờ đây. NV: Nhưng thưa anh, lại là người phụ nữ hôm qua. GĐ: Thật phiền phức, chị ta lại đến đến đây làm gì nhỉ. Tôi đã giải thích hết nước hết cái từ hôm qua rồi mà. Cậu bảo chị ta là chiều quay lại nhé, tiếp chị này không thể nhanh được đâu.... Sáng ra chưa gì đã gặp phải “cớm”, rõ rách việc... không hiểu sáng nay ra ngõ bước chân nào trước nữa.. NV: Dạ thưa anh, hôm qua sau khi gặp anh, khi chị ấy ra về em cũng đã phân tích lại cho chị ấy, em đã bảo chị ấy đừng mất công vô ích, ấy thế mà... Chị Mai: (Từ cửa sộc vào) À, thì ra doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động của các anh là như thê này đây, tiện nghi quá nhỉ, đầy đủ quá nhỉ. GĐ: Chị vào đây có việc gì thì cứ bình tĩnh nói... Mời chị ngồi!. Chị My: Thôi, tôi đứng cũng được, ngồi lại sợ các anh lấy phí dịch vụ. GĐ: Chị My đấy à, chiều hôm qua tôi và chị đã trao đổi hết rồi, chị cũng không còn gì thắc mắc nữa... sao hôm nay chị lại quay lại?! Thôi thế này chị nhé, hiện tại tôi rất bận, không thể tiếp chị được lâu, hẹn chị chiều nay có được không ạ?!. (Trong lúc giám đốc nói chuyện với chị My thì nhân viên xin phép ra ngoài) Chị My: Tôi sẽ không làm mất thời gian của các anh lâu đâu mà...Trả lại tiền cho tôi đi, trả ngay bây giờ, ngay tại đây, giấy tờ tôi mang đi đầy đủ rồi. GĐ: Tôi đã nói với chị hôm qua rồi còn gì. Con trai chị đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc thông qua hợp đồng với công ty chúng tôi. Khoản phí dịch vụ là đương nhiên, Hợp đồng đó ghi rõ ràng... Nhưng tất cả mọi người đều phải về nước vì lý do thời tiết, không riêng gì con trai chị đâu mà tất cả mọi người như thế có ai kêu ca gì đâu. Chúng tôi làm sao có thể hoàn trả lại khoản tiền dịch vụ cho chị được. Chị My: Vâng, hôm qua anh cũng nói với tôi như vậy, nhưng tiền bạc của chúng tôi có phải vỏ hến đâu... bao nhiêu năm vợ chồng tôi chân lấm, tay bùn, làm quần quật mà ăn chẳng dám ăn... tích cóp lại rồi để nhoáng một cái các anh làm như chẳng có chuyện gì xảy ra sao được...! Hôm nay tôi đến đây không phải là đòi hết, tôi chỉ đòi lại phần tiền dịch vụ của thời gian còn lại thôi. Nó phải về nước giữa chừng đâu phải tại nó, các ông cũng công nhận như thế... Tại sao lại có chuyện không trả.. GĐ: Thì đúng là việc về nước của con chị không do lỗi của nó, nhưng chị thấy đấy cũng có phải do lỗi của công ty chúng tôi đâu... Hay chị muốn để con chị ăn trực nằm chờ, nghỉ không lương ở bên đó?! Chị My: Anh nói thế mà nghe được à? Con tôi ký hợp đồng với công ty là 3 năm nhưng mới đi được 14 tháng đã phải về... để rồi bây giờ anh đòi giũ bỏ trách nhiệm với gia đình tôi... Anh đã nói thế thì tôi cũng nói để anh biết, tôi sẽ yêu cầu công ty anh mà người đứng đầu là anh phải bồi thường về những tổn thất 22 tháng còn lại vì con tôi không có việc làm.. GĐ: Chị lại đùa tôi rồi, không ngờ chị My cũng vui tính đấy nhỉ!? Đến tiền dịch vụ chúng tôi cũng không thể trả lại cho chị, huống chi chị lại còn đòi phạt cả chúng tôi nữa.. Tiện đây tôi cũng nói để chị biết nhé, công ty của chúng tôi là công ty cổ phần, mọi quyết sách đều phải thông qua Hội đồng quản trị, hôm nay chị yêu cầu như vậy là quá với quyền hạn của tôi rồi. Thôi thế này chị nhé: Yêu cầu của chị tôi xin ghi nhận để hôm tới họp Hội đồng Quản trị công ty tôi sẽ đưa ra xin ý kiến, kết quả thế nào chúngẽ thông báo cho chị. Như thế chị nhé, xin phép chị tôi phải đi có chút việc đây.. (Nói rồi GĐ xách cặp đi ra) Chị My: (Vọng theo) À, thì ra các người cố cố tình vòng vo để rồi chạy làng chứ gì...thôi được rồi, tôi sẽ làm cho ra nhẽ... Câu hỏi 1. Vị Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ không chịu trả tiền dịch vụ vì con tôi về nước trước thời hạn như vậy là đúng hay sai?

Khoản 3 điều 21 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định:  Trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp của con bạn phải về nước trước thời hạn không do lỗi của con bạn nên doanh nghiệp dịch vụ đã ký hợp đồng đưa con bạn đi lao động ở nước ngoài có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng.

Vị chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của công ty kia không chịu trả tiền còn lại cho con bạn là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Câu hỏi 2. Ngoài khoản tiền dịch vụ doanh nghiệp phải hoàn trả cho gia đình tôi, tôi có được yêu cầu bồi thường do con tôi thất nghiệp 22 tháng còn lại vì phải về nước sớm không?

Trả lời:

Điểm h khoản 2 điều 27 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ: Bồi thường cho người lao động, người bảo lãnh về những thiệt hại do doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật.

Trường hợp của con bạn phải về nước trước thời hạn của hợp đồng là do nguyên nhân về thời tiết, là nguyên nhân khách quan không phải do lỗi của doanh nghiệp dịch vụ. Điều này cũng có nghĩa việc con bạn bị thất nghiệp 22 tháng còn lại vì phải về nước sớm không phải do doanh nghiệp dịch vụ gây ra. Do đó, bạn và con bạn sẽ khó có căn cứ yêu cầu họ bồi thường thiệt hại do con bạn bị thất nghiệp.

Câu hỏi 3. Vị Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ nói phải thông qua Hội đồng quản trị rồi mới rõ chuyện có được hoàn trả tiền dịch vụ cũng như tiền bồi thường thất nghiệp như vậy có đúng không?

Trả lời:

Điểm g khoản 2 điều 108 Luật Doanh nghiệp quy định quyền và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị có nội dung: Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.

Điểm a, b khoản 3 điều 116 Luật Doanh nghiệp quy định quyền và nhiệm vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hàng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;b) Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị;

Nếu hợp đồng công ty đã ký kết với con bạn thuộc trường hợp có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty và phải được Hội đồng quản trị thông qua thì các vấn đề phát sinh từ hợp đồng trong đó có trách nhiệm hoàn trả tiền dịch vụ cho con bạn cũng phải được Hội đồng quản trị thông qua. Trường hợp khác Tống Giám đốc có quyền quyết định mà không phải thông quan Hội đồng quản trị.

Câu hỏi 4. Gia đình tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trả lời:

Khoản 9 điều 8 Nghị định 126/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Do đó, gia đình bạn có thể làm đơn tố cáo vụ việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về hành vi của doanh nghiệp dịch vụ đã ký kết hợp đồng với con bạn để được bảo vệ quyền lợi. Đồng thời, con bạn có quyền làm đơn khởi kiện tới TAND cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ có trụ sở chính để đòi lại khoản tiền dịch vụ còn lại đã nộp cho doanh nghiệp theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
549 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào