Chế độ tài sản của vợ chồng được lập thành thỏa thuận thế nào?
Chế độ tài sản của vợ chồng được lập thành thỏa thuận như thế nào?
Chào anh chị. Em chuẩn bị kết hôn và muốn xác lập chế độ tài sản của hai vợ chồng rõ ràng, không có liên quan gì về vấn đề tài sản với nhau giữa hai người. Vậy việc lập thỏa thuận về chế độ tài sản phải làm thế nào ạ?
Trả lời:
Theo Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:
- Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
=> Như vậy. việc lập thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được tiến hành như sau:
* Thời điểm lập thỏa thuận: Thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn.
* Hình thức của thỏa thuận: Văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Ngoài ra, cần lưu ý đến các vấn đề sau đây:
* Nội dung cơ bản của thỏa thuận
Theo Khoản 1 Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Nội dung khác có liên quan.
* Thỏa thuận bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể:
- Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
- Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;
- Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
Trên đây là toàn bộ thông tin về viêc lập thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng mà chúng tôi cung cấp đến bạn.
Nam, nữ đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với nhau bị xử lý thế nào?
Anh Tài có câu hỏi: Tôi đã có vợ và hai con nhưng cuộc sống không hạnh phúc. Nay tôi có qua lại, chung sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác cũng đã có gia đình. Hai chúng tôi yêu thương nhau thật lòng, nhưng cũng không muốn ly hôn với người cũ. Không biết hành vi này có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý thế nào?
Trả lời:
Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Như vậy, việc bạn đã có gia đình mà vẫn chung sống như vợ chồng với người khác (cũng đã có gia đình) là hành vi bị cấm, vi phạm quy định về chế độ hôn nhân gia đình.
Hành vi này sẽ bị xử lý như sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;"
Như vậy, nam nữ đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với nhau bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng.
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”
Như vậy, nếu việc nam, nữ đã có gia đình mà chung sống như vợ chồng với nhau dẫn đến một trong hai bên ly hôn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Trường hợp làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của Tòa án buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Vợ chồng bỏ nhau thì có được kết hôn lại với người khác?
Thưa luật sư tôi có đăng ký kết hôn trên pháp luật nhưng nay vợ chồng bỏ nhau theo phong tục tập quán như vậy tôi có được phép kết hôn với người khác không ạ?
Trả lời:
Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định:
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Khoản 2c Điều 5 Luật này nghiêm cấm hành vi:
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Như vậy, ở đây nếu vợ chồng bạn bỏ nhau nhưng chưa ly hôn (chưa có bản án/quyết định của Tòa) thì không thể kết hôn được với người khác. Do đó, chỉ khi vợ chồng bạn đã ly hôn theo bản án/quyết định của Tòa thì khi đó bạn mới có quyền kết hôn với người mới.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?