Nộp báo cáo tài chính chậm bị phạt thế nào?
Nộp báo cáo tài chính chậm bị phạt như thế nào?
Theo Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định;
b) Công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính;
c) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định;
d) Công khai báo cáo tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính;
đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật;
b) Cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Không công khai báo cáo tài chính theo quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp và công khai báo cáo kiểm toán đính kèm báo cáo tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, d khoản 2 Điều này.
Theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định như sau:
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định như trên, trường hợp doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, còn đối với cá nhân thì giảm một nửa so với tổ chức. Nếu nộp chậm quá 03 tháng có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Phải nộp báo cáo tài chính khi nào?
Căn cứ Điều 29 Luật kế toán 2015 quy định báo cáo tài chính của đơn vị kế toán như sau:
1. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán gồm:
a) Báo cáo tình hình tài chính;
b) Báo cáo kết quả hoạt động;
c) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
d) Thuyết minh báo cáo tài chính;
đ) Báo cáo khác theo quy định của pháp luật.
2. Việc lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:
a) Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó;
b) Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên;
c) Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do;
d) Báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
3. Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Tài chính quy định chi tiết về báo cáo tài chính cho từng lĩnh vực hoạt động; trách nhiệm, đối tượng, kỳ lập, phương pháp lập, thời hạn nộp, nơi nhận báo cáo và công khai báo cáo tài chính.
Theo đó, báo cáo tài chính phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 23 tháng 11 là ngày gì? Ngày 23 tháng 11 là thứ mấy? Ngày 23 tháng 11 là ngày bao nhiêu âm 2024?
- Lời chúc cô 20 11 cảm động, ý nghĩa mới nhất năm 2024?
- Đề xuất cán bộ không đủ tuổi tái cử, tự nguyện nghỉ hưu sớm không trừ tiền lương hưu?
- Điểm cực Nam của nước ta nằm ở tỉnh nào? Tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên là bao nhiêu?
- Chở trẻ em trên xe ô tô không có thiết bị an toàn có thể bị phạt 1 triệu đồng?