Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại là 02 chế tài duy nhất trong thương mại đúng hay không?

Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại là 02 chế tài duy nhất trong thương mại đúng không? Vận chuyển hàng đến chậm do tàu bị va đập có chịu trách nhiệm bồi thường không? Khi nào bên thực hiện nghĩa vụ phải chịu đồng thời cả phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại?

Phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại là 02 chế tài duy nhất trong thương mại đúng không?

Liên quan đến chế tài trong thương mại thì có phải phạt vi phạm và ​bồi thường thiệt hại là 02 chế tài duy nhất trong hoạt động thương mại không?

Trả lời:

Căn cứ Điều 292 Luật Thương mại 2005 quy định về các chế tài trong thương mại như sau:

1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.

2. Phạt vi phạm.

3. Buộc bồi thường thiệt hại.

4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng.

6. Huỷ bỏ hợp đồng.

7. Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

Như vậy, theo quy định có rất nhiều chế tài trong hoạt động thương mại nêu trên, không chỉ riêng 02 chế tài phổ biến nhất là buộc bồi thường và phạt vi phạm.

Vận chuyển hàng đến chậm do tàu bị va đập có chịu trách nhiệm bồi thường không?

Trong quá trình vận chuyển hàng đi từ cảng Cát lái sang cảng Singapore (bên nhận hàng là doanh nghiệp tại Singapore) thì do sự cố tổn thất chung (đâm va tàu làm tàu bị thủng và thuyền trưởng quyết định lấy một số hàng để lấp vào khoảng trống đó) nên hàng đến cảng Singapore chậm 5 ngày so với dự kiến, làm cho giá bán hàng (rau củ) bị sụt giảm gây thất thi cho chủ hàng khoảng 500 triệu VND so với dự tính đến đúng lúc. Vậy công ty tôi có phải bồi thường 500 triệu đồng đó không?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 336 Bộ luật dân sự 2015 quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

- Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

- Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Như vậy, quan hệ này của công ty bạn và công ty bên Singapore thuộc quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nên việc áp dụng luật dể giải quyết theo thứ tự sau:

- Tự các bên lựa chọn luật áp dụng (Pháp luật Việt Nam; Pháp luật Singapore);

- Theo Điều ước quốc tế mà 2 quốc gia của các bên đã ký kết;

- Áp dụng theo luật quốc gia được dẫn chiếu.

Vậy nên, hai bên lựa chọn pháp luật Việt Nam để giải quyết trong trường hộ này thì vụ việc được giải quyết như sau:

Theo Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Nếu các bên không thỏa thuận về cách hiểu về sự kiến bất khả kháng thì sẽ được hiểu theo cách trên, vậy nên khi đâm va tàu làm tàu bị thủng diễn ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì sẽ được được xem là sự kiện bất khả kháng và công ty vận chuyển hàng hóa không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất mà phía Singapore gặp phải (theo Điều 294 Luật thương mại 2005).

Còn nếu, việc đâm va tàu làm tàu bị thủng diễn ra không phải khách quan không thể lường trước được và có thể khắc phục thì đây không được xem là sự kiện bất khả kháng nêu công ty vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho những tổn thất phía Singapore phải chịu (500 triệu VNĐ) theo Điều 303 Luật thương mại 2005.

Trên đây là cách giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu các bên lựa chọn luật khác để giải quyết thì sẽ tuân theo quy định của nước đó.

Khi nào bên thực hiện nghĩa vụ phải chịu đồng thời cả phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại?

Nhờ ban biên tập tư vấn cho tôi trường hợp sau:

Trường đại học Ngoại thương và Công ty Bình Minh kí một hợp đồng, theo hợp đồng Trường đại học Ngoại thương mua 50 máy tính của Công ty Bình Minh với giá trị là 500 triệu đồng, công ty Bình Minh có nghĩa vụ giao toàn bộ số hàng cho Trường đại học Ngoại thương vào ngày 20/6/2017. Ngày 20/6/2017 Công ty Bình Minh chỉ giao 30 máy tính, số còn lại đến ngày 30/7/2017 công ty vẫn chưa giao cho Trường đại học ngoại thương. Trường đại học Ngoại thương gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Công ty Bình Minh phải giao 20 máy tính còn lại trong vòng 1 tuần kể từ 30/7/2017, đồng thời phải chịu phạt vi phạm hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại cho Trường, Công ty Bình Minh không chấp nhận với lý do lô hàng máy tính nhập khẩu vào thời điểm 20/6/2017 gặp trục trặc không về đúng hạn nên không giao hàng cho Trường đại học Ngoại thương đúng thời hạn theo hợp đồng đã kí. Công ty Bình Minh có phải chịu phạt vi phạm hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại không?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Điều 294 và Điều 303 Luật thương mại 2005 có quy định cụ thể như sau:

Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:

1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;

2. Có thiệt hại thực tế;

3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành thì trong trường hợp này nếu công ty Bình Minh chứng minh được việc mình chậm thức hiện nghĩa vụ trong hợp đồng với Trường đại học ngoại thương là thuộc các trường hợp quy định tại Điều 294 Luật thương mại 2005 thì công ty Bình Minh sẽ không có nghĩa vụ phải chịu phạt vi phạm hợp đồng. Ngược lại nếu công ty Bình Minh không chứng minh được thì công ty Bình Minh có trách nhiệm phải chịu phạt vi phạm hợp đồng Căn cứ Điều 300 Luật thương mại 2005.

Theo đó: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”

Ngoài ra đối với vấn đề bồi thường thiệt hại thì ngoài điều kiện là không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 294 Luật thương mại 2005, thì vấn đề bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố quy định tại Điều 303 Luật thương mại 2005.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn thắc mắc.

Trân trọng!

Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Tạ Thị Thanh Thảo
2,008 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào