Việc đặt cọc có bắt buộc phải lập thành văn bản không?

Việc đặt cọc có bắt buộc phải lập thành văn bản hay không? Đặt cọc dưới hình thức nào thì có hiệu lực pháp luật? Hợp đồng đặt cọc mua đất có cần phải công chứng hay không?

Việc đặt cọc có bắt buộc phải lập thành văn bản hay không?

Cho hỏi: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc khi đặt cọc chỉ thỏa thuận miệng không có hợp đồng đặt cọc. Vậy việc đặt cọc đó có đúng luật không?

Trả lời:

Tại Điều 328 Bộ luật dân sự 2015, có quy định về đặt cọc như sau:

- Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo quy định nêu trên thì việc đặt cọc không bắt buộc phải lập thành hợp đồng. Việc đặt cọc không bắt buộc các bên phải có công chức, chứng thực. Do đó, khi hợp đồng đặt cọc đã đáp ứng các điều kiện về chủ thể tham gia giao dịch, mục đích và nội dung giao dịch thì hợp đồng đặt cọc có hiệu lực. Thỏa thuận miệng cũng được bạn nhé, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải chứng minh được. 

Đặt cọc dưới hình thức nào thì có hiệu lực pháp luật?

Cho hỏi: Tôi có mua 1 lô đất nền KCN becamex. khi đặt cọc chỉ có tờ giấy viết tay không có hợp đồng đặt cọc. Vì đất chưa ra lô nên cũng không ghi rõ lô số bao nhiêu. tôi đã chuyển khoản cho người bán và xác nhận bằng tin nhắn. Vậy giấy cọc đó giá trị không ạ
Trả lời: 

Căn cứ Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về các hình thức giao dịch dân sự như sau:

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Theo điều 328 Bộ luật này có quy định về đặt cọc như sau:

Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng

Như vậy, theo các quy định như trên, giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Cho nên giao dịch đặt cọc của bạn đã có giấy viết tay có nghĩa là đã được lập thành văn bản, ngoài ra bộ luật dân sự không có quy định việc đặt cọc bắt buộc phải lập thành hợp đồng. Cho nên việc đặt cọc này của bạn được xem là có giá trị pháp lý.

Hợp đồng đặt cọc mua đất có cần phải công chứng hay không?

Cho hỏi: Gần đây, tôi có đặt cọc tiền để được mua một mảnh đất tại Bình Dương. Tuy nhiên, khi làm hợp đồng đặt cọc thì chúng tôi đã làm mọi thứ theo quy định những lại quên mất là phải công chứng. Vậy cho tôi hỏi: Hợp đồng đặt cọc mua đất có cần phải được công chứng hay không? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:
Về vấn đề này thì tại Khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

"Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng."

Cùng với đó, tại Điều 117 Bộ luật này cũng quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định."

Như vậy, từ hai quy định này thì có thể thấy rằng hợp đồng đặt cọc mà được giao kết tự nguyện, có nội dung không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và bởi những người có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự thì đã có hiệu lực rồi bạn nhé. Sở dĩ chúng tôi cho rằng như vậy là vì hiện nay chưa có một văn bản nào bắt buộc hợp đồng đặt cọc là phải được công chứng mới có hiệu lực cả. Vì vậy, nếu hợp đồng đặt cọc mua đất của bạn mà được giao kết với đầy đủ các điều kiện trên thì bạn cứ yên tâm về hiệu lực của nó bạn nhé.

Trên đây là nội dung trả lời về việc công chứng đối với hợp đồng đặt cọc. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Bộ luật dân sự 2015.

Trân trọng!
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Huỳnh Minh Hân
4,299 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào