Tai nạn giao thông do chó cột bên lề đường thì ai sẽ chịu trách nhiệm dân sự?

Tai nạn giao thông do chó cột bên lề đường thì ai sẽ chịu trách nhiệm dân sự? Ai chịu trách nhiệm hình sự khi tai nạn giao thông do chó cột bên lề đường? Mẹ tôi bị tai nạn do một con chó cột bên lề đường. Mẹ tôi hoảng do con chó sau đó xe phía sau đi lên va vào mẹ tôi gây thương tích 65% và được biết xe đi phía sau tôi không vi phạm lỗi khi tham gia giao thông. Cho tôi hỏi ai sẽ phải bồi thường cho mẹ tôi? Xin cảm ơn!

Tai nạn giao thông do chó cột bên lề đường thì ai sẽ chịu trách nhiệm dân sự?

Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Căn cứ Điều 603 Bộ luật này quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Theo đó, người nào có hành vi và chủ sở hữu có súc vật xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường trừ trường hợp bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Như vậy, người đi xe phía sau tham gia đúng luật và do mẹ bạn hoảng hốt vì con chó nên người đi xe phía sau sẽ không chịu trách nhiệm dân sự. Theo quy định luật trên, vụ tai nạn gây ra do con chó cột bên lề đường nên chủ sở hữu của con chó này phải bồi thường thiệt hại do con chó này gây ra.

Ai chịu trách nhiệm hình sự khi tai nạn giao thông do chó cột bên lề đường?

Căn cứ Khoản 1 Điều 295 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 97 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm g Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

Do người đâm mẹ bạn không có lỗi gì trong vụ tai nạn này nên không chịu trách nhiệm hình sự mà người sở hữu con chó sẽ chịu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, nếu nơi xảy ra tai nạn là nơi đông người thì chủ sở hữu con chó sẽ chịu tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người do không đảm bảo an toàn ở nơi đông người khiến mẹ bạn bị thương 65% theo Điểm b Khoản 1 Điều 295 Bộ luật hình sự 2015. Chủ sở hữu này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Còn trường hợp, nơi xảy ra tai nạn này là nơi vắng người thì chủ sở hữu sẽ phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do lỗi không quản lý, trông coi con chó dẫn đến gây thương tích cho mẹ bạn theo điểm b Khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự 2015. Chủ sở hữu sẽ cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Tạ Thị Thanh Thảo
532 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào