Khi đến kỳ kinh nguyệt, lao động nữ có quyền lợi gì?

Quyền lợi của lao động nữ khi đến kỳ kinh nguyệt như thế nào? Quy định về thời gian nghỉ của lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi như thế nào? Xin chào, tôi là Minh Kiều, tôi đến tháng tôi thường rất đau bụng và mệt. Cho tôi hỏi là nếu tôi đi làm thì đến tháng có được nghỉ giữa giờ hay có quyền lợi gì không? Nếu tôi đẻ con thì có được nghỉ về sớm không?

Người lao động nữ khi đến kỳ kinh nguyệt sẽ có quyền lợi gì?

Căn cứ Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền lợi của người phụ nữ trong thời gian hành kinh như sau:

4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Và căn cứ Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về việc nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ như sau:

3. Nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ:

a) Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;

b) Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

Theo đó, khi bạn đi làm, bạn sẽ có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời gian nghỉ trong những ngày có kinh nguyệt. Bạn sẽ được hưởng tối thiểu 3 ngày, mỗi ngày có 30 phút hưởng lương và nếu bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi 60 phút hưởng lương.

Thời gian nghỉ của NLĐ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi quy định như thế nào?

Căn cứ Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định về bảo vệ thai sản:

2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Và căn cứ Khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:

4. Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi:

a) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

b) Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Như vậy, nếu bạn mới đẻ và nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì ngoài được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian kinh nguyệt thì bạn còn được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi và giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày nếu công việc độc hại.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Tạ Thị Thanh Thảo
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào