Có được giành quyền nuôi con khi vợ cũ tái hôn? Ý kiến của con có quyết định ai có quyền nuôi con?
Có được giành quyền nuôi con khi vợ cũ tái hôn?
Xin chào các anh chị! Tôi năm nay 30 tuổi. Tôi ly hôn năm 2017, có con chung sinh năm 2015 được Tòa giao cho vợ tôi nuôi dưỡng và tôi cấp dưỡng cho con hàng tháng. Tuy nhiên, năm ngoái, vợ tôi tái hôn. Cô ấy để con cho cha mẹ cô ấy chăm sóc. Tôi chỉ được gia đình cô ấy cho thăm con trong khoảng 4 tiếng vào cuối tuần. Tôi không được đưa con đi chơi hay về bên nội chơi. Tôi đã làm đơn lên UBND xã và ủy ban đã lập biên bản song họ vẫn nhất quyết không thay đổi. Hiện tôi có công việc ổn định, thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng và đang sống với bố mẹ thì tôi có được quyền nuôi con không? Rất mong anh chị tư vấn cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Khoản 1 Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại Khoản 5 Điều này, tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, con của bạn đã trên 36 tháng tuổi, vợ bạn đã tái hôn và giao con cho ông bà ngoại nuôi, tức là cô ấy không còn trực tiếp nuôi con nữa nên bạn có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi.
Bạn có thể làm đơn ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ bạn cư trú để yêu cầu giải quyết. Việc vợ bạn tái hôn và giao con cho ông bà ngoại sẽ không đảm bảo được điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Vì vậy, Tòa án sẽ căn cứ vào chứng cứ mà bạn cung cấp để giải quyết việc nuôi con cho bạn.
Ý kiến của con có quyết định ai có quyền nuôi con không?
Thưa Luật sư, theo Luật Hôn nhân Gia đình thì khi ly hốn nếu con đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Vậy ý kiến của con có hoàn toàn quyết định người trực tiếp nuôi con không?
Trả lời:
Khoản 2, Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo đó, việc quyết định ai có quyền nuôi con sau ly hôn sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhằm đảm bảo quyền lợi về mọi mặt đối với con về chỗ ở, giáo dục, điều kiện chăm sóc... Ý kiến của con chỉ mang tính tham khảo, xem xét nguyện vọng, không phải là ý kiến quyết định hoàn toàn người có quyền trực tiếp nuôi con.
Thủ tục lấy ý kiến con chưa thành niên:
Theo Khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến.
Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.
Ngoài ra, Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC cũng có hướng dẫn về vấn đề này: Theo đó, để bảo đảm quyền lợi của người con, Tòa án phải lấy ý kiến của người con, xem xét nguyện vọng của người con từ đủ 07 tuổi trở lên; phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em. Tuy nhiên, Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.
Ở nhà làm nội trợ thì có được giành quyền nuôi con khi ly hôn?
Vợ chồng tôi kết hôn được ba năm và hiện có một con gái 24 tháng tuổi. Tình hình hiện nay thì vợ chồng rất hay xảy ra xung đột mâu thuẫn, thậm chí đánh nhau nên cuộc sống rất khổ sở. Nay tôi muốn ly hôn nhưng chồng tôi không chịu. Vậy cho tôi hỏi, tôi có quyền đơn phương ly hôn không? Vì tôi ở nhà làm nội trợ đã nhiều năm, không đi làm thì khi ly hôn tôi có thể giành quyền nuôi con không?
Trả lời:
Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định như sau:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Do đó, chị có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn khi hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Thứ hai, về vấn đề giành quyền nuôi con sau khi ly hôn:
Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Căn cứ theo quy định nêu trên thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp theo thỏa thuận của hai vợ chồng, hoặc người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con. Trong trường hợp của chị, con chị chỉ mới 24 tháng tuổi. Do đó, bé sẽ được ưu tiên giao cho chị trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?