Có phải trả lại tiền vàng cho mẹ chồng khi ly hôn? Ly hôn xong muốn ở lại nhà chồng được không?
Có phải trả lại tiền vàng cho mẹ chồng khi ly hôn không?
Tôi và chồng kết hôn được hơn 5 năm nhưng chưa có con. Hiện chúng tôi không còn tiếng nói chung và đang chuẩn bị ly hôn. Biết chuyện này, mẹ chồng tôi bảo trả lại vàng cùng tiền cưới hỏi lại cho bà. Xin hỏi luật sư, tới đây ra tòa ly hôn thì yêu cầu của mẹ chồng tôi sẽ được xử lý thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Như vậy có thể hiểu rằng số tiền, vàng nhẫn vợ chồng bạn có được sau khi đăng ký kết hôn là tài sản chung của vợ chồng bạn và chỉ của vợ chồng bạn. Việc tặng, mừng tiền, vàng của mọi người dành cho vợ chồng bạn nhân ngày cưới là một dạng của hợp đồng tặng cho tài sản theo quy định của Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 theo đó:
- Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận". Quy định này nghĩa là đối với việc tặng cho tài sản thì người tặng không còn quyền sở hữu đối với tài sản đó kể từ thời điểm giao tài sản cho người được tặng.
Như vậy, tiền, vàng vợ chồng bạn được mọi người tặng, mừng nhân ngày cưới không còn thuộc quyền sở hữu của họ nữa nên họ không có quyền yêu cầu vợ chồng bạn phải trả lại. Nói cách khác, vợ chồng bạn không có nghĩa vụ trả lại tiền, vàng cưới hỏi lại cho mẹ chồng. Mặt khác nếu vợ chồng bạn không bị rơi vào trường hợp tặng cho tài sản có điều kiện, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về việc không phải trả lại tiền, vàng cưới hỏi mà mẹ chồng bạn đã tặng cho hai vợ chồng.
Ly hôn xong muốn ở lại nhà chồng được không?
Tôi và chồng tôi kết hôn năm 2017 do có nhiều mâu thuẫn nên 2/2019 đã làm đơn ra Tòa để xin ly hôn. Từ khi kết hôn hai vợ chồng không có tài sản chung, và trước giờ vợ chồng ở tại ngôi nhà do chồng tôi mua trước khi kết hôn. Vậy nên sau khi ly hôn tôi có quyền ở lại nhà khi có chỗ ở không?
Trả lời:
Theo Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì sau khi ly hôn, vợ hoặc chồng có quyền lưu trú, cụ thể như sau:
"Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác."
Như vậy, nếu bạn có khó khăn trong về chỗ ở thì được quyền lưu trú trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt.
Hướng dẫn viết đơn ly hôn thuận tình
Kết hôn ngày 2/10/2016. Hiện tại đã ly thân được 12 tháng, nay muốn giải quyết ly hôn thuận tình. Nhờ các Luật sư giúp em ạ: Mẫu đơn ly hôn thuận tình hiện hành là mẫu nào (em tìm trên mạng thấy nhiều nguồn nhiều mẫu khác nhau quá ạ)?
Trả lời:
Điều 55 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định về Thuận tình ly hôn như sau:
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Như vậy, khi anh chị ly hôn thuận tình, đây là việc dân sự nên thủ tục giải quyết sẽ thực hiện theo quy định tại Chương XXIII Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Theo đó, khi muốn thuận tình ly hôn thì anh chị viết đơn gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong hai bên cư trú. Hiện không có biểu mẫu cụ thể về thuận tình ly hôn, miễn là đáp ứng các điều kiện, nội dung theo quy định thì sẽ được Tòa án thụ lý giải quyết.
- Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
- Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?