Có thể thay đổi họ, tên và dân tộc của con nuôi không?Thủ tục đăng ký nhận con nuôi có bắt buộc hay không?
Có thể thay đổi họ, tên và dân tộc của con nuôi không?
Hai vợ chồng tôi bị hiếm muộn và muốn nhận con nuôi. Tôi có biết một em bé dân tộc H’ Mông 2 tuổi và muốn nhận nuôi cháu. Tôi muốn hỏi sau khi làm xong thủ tục nhận nuôi con nuôi, tôi có thể thay đổi họ tên và dân tộc của cháu được không? Xin cảm ơn!
Trả lời: Thứ nhất, về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 27 Bộ luật dân sự 2015, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
- Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
Căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về hệ quả của việc nhận nuôi con nuôi như sau:
- Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Như vậy, bạn có thể thay đổi họ, tên cho con nuôi.
Thứ hai, về việc thay đổi dân tộc cho con nuôi
Tại Khoản 2 Điều 29 Bộ luật dân sự 2015, việc xác định, xác định lại dân tộc được quy định như sau:
- Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.
Ngoài ra, Khoản 3 điều này lại có quy định như sau:
- Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
+ Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
+ Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.
Như vậy, em bé sinh ra đã được xác định dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ đẻ là dân tộc H’Mông. Trong trường hợp này, khi nhận nuôi bé, bạn không có quyền thay đổi dân tộc của con nuôi.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn.
Thủ tục đăng ký nhận con nuôi có bắt buộc hay không?
Chào chuyên viên, vợ chồng chúng tôi kết hôn từ năm 2013 đến nay chưa có con, hiện nay chúng tôi muốn nhận một đứa trẻ làm con nuôi, vậy có bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi hay không? Mong chuyên viên giải đáp thắc mắc giúp tôi. Xin cảm ơn.
Trả lời: Trước đây, khi chưa có Luật Nuôi con nuôi, những quy định về việc nhận nuôi còn khá mơ hồ, không đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình nhận nuôi. Vì vậy, thông thường nếu có phát sinh quan hệ nuôi con nuôi thì các cặp cha mẹ cũng không đi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010 có quy định người được nhận làm con nuôi như sau:
1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
Đồng thời, tại Điều 4 Luật này cũng nêu rõ, việc nuôi con nuôi cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình của những người có quan hệ huyết thống, hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện, bình đẳng, đảm bảo quyền, lợi ích cho cả hai bên.
Do đó, hiện nay, vẫn chưa có quy định nào bắt buộc khi nhận con nuôi phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, để tránh trường hợp phát sinh tranh chấp về tài sản, thừa kế… khi nhận con nuôi, cặp cha mẹ nhận nuôi vẫn nên thực hiện đăng ký.
Ngoài ra, bởi khi việc nhận nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật thì quan hệ cha, mẹ, con nuôi mới được xác lập, kéo theo đó là quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tài sản… Do đó, mặc dù hiện hành pháp luật không quy định bắt buộc phải thực hiện đăng ký nuôi con nuôi nhưng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cả hai bên thì nên thực hiện thủ tục này.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với vấn đề đăng ký thủ tục nhận con nuôi. Để biết thêm thông tin về vấn đề này bạn có thể tham khảo thêm ở Luật nuôi con nuôi năm 2010.
Có được thay đổi họ con riêng của vợ sang họ của bố dượng?
Chào luật sư em cần hỏi một vấn đề về làm lại giấy khai sinh cho con trai của vợ em (là con riêng của vợ em) em muốn thay đổi họ con sang họ của em thì phải làm như thế nào mong được luật sư tư vấn. Em chân thành cảm ơn!
Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 27 Bộ luật dân sự 2015 quy định các trường hợp được thay đổi họ như sau:
- Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
- Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
- Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
- Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
- Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
- Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
- Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Như vậy, trong trường hợp của bạn bạn chỉ được thay đổi họ con riêng của vợ bạn sang họ của bạn khi bạn nhận con riêng của vợ bạn là con nuôi.
Mặt khác, tại Luật nuôi con nuôi 2010 quy định các điều kiện khi nhận nuôi con nuôi trong trường hợp của bạn, cụ thể như sau:
1. Người được nhận làm con nuôi:
- Trẻ em dưới 16 tuổi
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
+ Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
2. Người nhận nuôi con nuôi
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Lưu ý: Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Về thủ tục nhận nuôi con nuôi, bạn tham khảo chi tiết tại bài viết sau: Điều kiện, thủ tục nhận nuôi con nuôi
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?