Có được kết hôn với anh em cùng cha khác mẹ không? Ông bà nội không đồng ý, có kết hôn với nhau được không?
Có được kết hôn với anh em cùng cha khác mẹ?
Tôi và người yêu tôi hiện tại là anh em cùng cha khác mẹ. Do chúng tôi từ nhỏ đã không sống chung với nhau và cũng hai bên gia đình cũng không nói về chuyện tôi có em gái. Nay đưa người yêu về ra mắt mới biết là người yêu tôi là em gái của tôi. Nếu chúng tôi vẫn kết hôn với nhau thì có bị sao không ạ?
Trả lời:
Theo Điểm d Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm các hành vi sau đây:
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Và tại Khoản 18 Điều 3 Luật này quy định: Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Như vậy, bạn và người yêu bạn có mối quan hệ là anh em cùng cha khác mẹ cho nên thuộc phạm vi đời thứ hai nên bạn không được kết hôn với người yêu bạn hiện tại.
Lưu ý: Nếu bạn và người yêu vẫn kết hôn với nhau thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tại Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hành vi: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
Ông bà nội không đồng ý, có kết hôn với nhau được không?
Dạ, năm nay em 25 tuổi, có quen và muốn tiến tới hôn nhân với một bạn gái 23 tuổi. Do tín ngưỡng hai bên khác nhau nên ông bà nội không đồng ý, bố mẹ em thì ly hôn lâu rồi, em ở với ông bà nội. Bây giờ, nếu chúng em kết hôn có được không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 5, Điều 8 và Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Thứ nhất về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
Cấm các hành vi sau đây:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Yêu sách của cải trong kết hôn;
- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
- Bạo lực gia đình;
- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Thứ hai về điều kiện kết hôn
Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Thứ ba về đăng ký kết hôn
- Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
- Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
- Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
Như vậy, pháp luật không quy định điều kiện kết hôn, đăng ký kết hôn là phải được ông bà nội đồng ý, nếu hai bạn đáp ứng các điều kiện kết hôn kể trên thì hai bạn vẫn hoàn toàn có quyền kết hôn với nhau. Và khi kết hôn với nhau hai bạn cần đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký kết hôn theo quy định khi đó việc kết hôn của hai bạn sẽ được Nhà nước công nhận và có giá trị pháp lý.
Phải đăng ký kết hôn trước mới được tổ chức đám cưới?
Hiện nay có rất nhiều trường hợp nam nữ tổ chức đám cưới rồi về chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Vậy luật có bắt buộc đăng ký kết hôn trước mới được tổ chức đám cưới không?
Trả lời:
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân Gia đình 2014).
Theo Điều 5 và Điều 8 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 thì:
- Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. Cụ thể là:
Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, hiện nay Luật Hôn nhân Gia đình 2014 không có quy định bắt buộc rằng nam nữ phải đăng ký kết hôn rồi mới được tổ chức đám cưới, do đó khi nam nữ đủ điều kiện kết hôn theo Luật thì họ có thể thực hiện đăng ký kết hôn rồi tổ chức đám cưới hoặc ngược lại.
Trường hợp tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Điều kiện kết hôn có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?