Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là bao lâu? Pháp luật có bắt buộc người nhận con nuôi phải hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi hay không?

Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là bao lâu? Pháp luật có bắt buộc người nhận con nuôi phải hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi hay không? Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là bao nhiêu?

Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là bao lâu?

Pháp luật quy định người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Vậy khi nộp hồ sơ rồi (đã hợp lệ hết) thì thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi sẽ là bao lâu?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện nay tại Khoản 1 Điều 19 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.

Trong đó:

Hồ sơ của người nhận con nuôi bao gồm:

- Đơn xin nhận con nuôi;

- Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi 2010.

Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước bao gồm:

- Giấy khai sinh;

- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

- Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Pháp luật có bắt buộc người nhận con nuôi phải hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi hay không?

Xin giải đáp giúp chúng tôi thắc mắc sau đây: Anh em tôi đang tranh cãi về vấn đề người nhận con nuôi có bắt buộc phải hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi trở lên hay không? Không ai nhường ai nên chúng tôi đành phải nhờ đến các bạn giải đáp giúp chúng tôi thắc mắc đó để kết thúc buổi tranh luận vô bổ ngày hôm nay?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện nay thì việc nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Việc nuôi con nuôi phải được thực hiện trên các nguyên tắc sau:

- Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.

- Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

- Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.

Pháp luật đồng thời quy định các trường hợp nào thì cá nhân được nhận con nuôi, trong các trường hợp nào thì cá nhân không được nhận con nuôi.

Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

- Có tư cách đạo đức tốt.

Căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định được pháp luật nước ta quy định người nhận con nuôi bắt buộc phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên - Tức là người nhận con nuôi phải hơn con nuôi ít nhất là 20 tuổi.

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng thì không áp dụng quy định người nhận con nuôi bắt buộc phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là bao nhiêu?

Xin chào anh/chị, tôi là Nguyễn Văn Hải, đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Anh/chị cho tôi hỏi: Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước theo quy định pháp luật hiện tại là bao nhiêu?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Khoản 1 Điều 12 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì người nhận con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi được xác định bao gồm:

- Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước.

- Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài.

- Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Trong đó, lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là lệ phí thu đối với trường hợp công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 141/2016/NĐ-CP thì Công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước theo quy định pháp luật khi nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Theo đó, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 141/2016/NĐ-CP thì mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước: 400.000 đồng/trường hợp.

Cơ quan thu lệ phí: Ủy ban nhân dân cấp xã.

Miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước đối với các trường hợp sau:

- Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi;

- Người nhận các trẻ em sau đây làm con nuôi: Trẻ khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của Luật nuôi con nuôi và văn bản hướng dẫn;

- Người có công với cách mạng nhận con nuôi.

Miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi đối với trường hợp đăng ký lại việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,066 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào