Lập hợp đồng ủy quyền khi 2 người ở 2 nơi như thế nào?
Lập hợp đồng ủy quyền khi 2 người ở 2 nơi như thế nào?
Xin chào Luật sư, tôi hiện đang ở Long An, có 1 số công việc nhờ bạn thực hiện nên phải ủy quyền. Mà bạn tôi thì ở tận Nam Định, tôi không thể về đó để ký ủy quyền được. Vậy cách lập hợp đồng ủy quyền khi 2 người ở 2 nơi khác nhau như thế nào? Mong được hỗ trợ.
Trả lời:
Theo Điều 55 Luật Công chứng 2014 có quy định về công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:
- Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
- Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Như vậy theo quy định này, vì 2 bạn không thể đến cùng 1 tổ chức hành nghề công chứng nên bạn có thể tiến hành như sau:
- Bạn là bên ủy quyền đến tại tổ chức hành nghề công chứng nơi cư trú (Long An) để công chứng hợp đồng ủy quyền.
- Sau đó, bạn gửi hợp đồng này cho bên nhận ủy quyền ở Nam Định để bên kia đến tổ chức hành nghề công chứng tại Nam Định để công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền.
Một bên yêu cầu hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã công chứng được không?
Tôi có ủy quyền có một người bán dùm mảnh đất để trả nợ cho chính người này, không có thỏa thuận thù lao, hợp đồng ủy quyền này đã được công chứng. Nay tôi không muốn bán nữa và thỏa thuận với bên được ủy quyền hủy bỏ hợp đồng nhưng người này không đồng ý. Cho hỏi tôi có thể đơn phương hủy bỏ hợp đồng ủy quyền này được không? Nhờ hỗ trợ!
Trả lời:
Căn cứ Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định về việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch như sau:
- Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
- Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
Mặt khác, tại Điều 569 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền như sau:
- Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
- Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
Như vậy, trường hợp này bạn không được quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã công chứng, tuy nhiên bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền này và thông báo cho bên được ủy quyền biết là được. (Lưu ý: việc thông báo là cần thiết nên cần có chứng cứ lưu lại việc thông báo để chứng minh sau này).
Công chứng viên được công chứng hợp đồng mua bán của mẹ ruột không?
Tôi là công chứng viên hoạt động trong lĩnh vực công chứng và mở được văn phòng công chứng do mình làm Trưởng văn phòng. Mẹ tôi có bán một mảnh đất và công chứng hợp đồng tại văn phòng của tôi có được không? Mong ban biên tập hỗ trợ.
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 7 Luật công chứng 2014 quy định các hành vi cấm trong hoạt động công chứng như sau:
- Công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;
- …
Như vậy, theo như quy định thì việc bạn thực hiện hợp đồng công chứng của mẹ bạn là vi phạm các hành vi cấm đối với hoạt động công chứng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?