Có được đòi lại tiền lương đã góp trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn? Chồng vay tiền đánh bài, vợ có phải trả không?
Có được đòi lại tiền lương đã góp trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn
Hai vợ chồng tôi làm việc trong một công ty. Khi cưới nhau về, 2 vợ chồng có nói với nhau là tôi sẽ là người nhận tiền lương của cả hai người để chi tiêu, sinh hoạt. Chồng tôi có nhiều mối quan hệ bên ngoài nên thường xuyên không ăn cơm nhà. Sau này, hai vợ chồng có cãi nhau, chồng tôi viết đơn ly hôn và kiện tôi để đòi lại toàn bộ số tiền lương của ông ấy mà tôi đã nhận từ khi lấy nhau đến giờ. Cho tôi hỏi, chồng tôi có được đòi lại toàn bộ số tiền lương của ông ấy không, trong khi trước giờ tôi dùng tiền lương của hai vợ chồng để trả tiền trọ, ăn uống, chi tiêu sinh hoạt cho gia đình? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Theo quy định này, tiền lương là tài sản chung của hai vợ chồng. Tài sản này thuộc sở hữu chung hợp nhất và được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Trong trường hợp của bạn, bạn đã sử dụng tiền lương của hai vợ chồng vì mục đich chi tiêu, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của gia đình nên chồng bạn không có căn cứ để đòi lại toàn bộ tiền lương đã góp trong thời kỳ hôn nhân.
Trên đây là giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn
Chồng vay tiền đánh bài, vợ có phải trả không?
Chị A có gửi câu hỏi như sau: “Chồng tôi có vay một số tiền để đi đánh bài, rượu chè mà tôi không biết. Hôm nay chủ nợ đến nhà đòi tiền thì tôi có phải trả không? Xin cảm ơn!”
Trả lời:
Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
=> Theo quy định này, rõ ràng nếu một trong hai bên vợ hoặc chồng xác lập các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cả hai vợ chồng đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với giao dịch đó.
Đối với trường hợp của bạn, việc chồng bạn tự vay tiền để đi đánh bài, rượu chè không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, do đó, không thể đặt ra nghĩa vụ chung về tài sản cho hai vợ chồng.
Hơn nữa, tại Khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định như sau:
- Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây: Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình.
Như vậy, trường hợp chồng bạn vay tiền để đánh bài, rượu chè thì bạn không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ này.
Kết hôn ở nước ngoài có được về Việt Nam ly hôn không?
Tôi đăng ký kết hôn ở Nhật và bây giờ vợ chồng tôi không còn sống chung với nhau nữa. Hiện tôi đang sống tại Việt Nam, vậy tôi có cần phải li hôn ở Việt Nam hay không? Nếu tôi muốn kết hôn lại với người khác tại Việt Nam.
Trả lời:
Theo Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam, cụ thể như sau:
- Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
- Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;
- Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
- Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
- Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;
- Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.
Như vậy, bạn là công dân Việt Nam có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam giải quyết ly hôn trong trường hợp kết hôn tại Nhật Bản.
Hôn nhân có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:
- Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
- Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
- Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Lưu ý: Trước khi thực hiện thủ tục ly hôn thì bạn phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn theo quy định (Khoản 1 Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
Trân trọng
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?