Thế chấp nhà ở trên đất nhưng không thế chấp đất được không? Cá nhân được thế chấp nhà khi chưa xây xong không?
Thế chấp nhà ở trên đất nhưng không thế chấp đất được không?
Tôi có căn nhà 3 tầng, tọa lạc tại Quận 7 TP. HCM và căn nhà này ở trên đất thuộc quyền sử dụng của tôi. Hiện tại, tôi muốn đăng ký thế chấp căn nhà để lấy tiền kinh doanh. Vậy, khi thế chấp như vậy có bắt buộc thế chấp đất luôn không?
Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014 quy định như sau:
1. Đối với chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì có các quyền sau đây:
a) Có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình;
b) Sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm;
c) Được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai;
d) Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Như vậy, chủ sở hữu nhà ở hợp pháp tức là bạn có quyền chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thế chấp, góp vốn, cho mượn nhà ở của mình. Do đó bạn có thể tiến hành thế chấp nhà ở thuộc sở hữu của bạn; đồng thời hiện nay không có quy định nào bắt buộc phải tiến hành thế chấp nhà cùng với đất.
Cá nhân được thế chấp nhà khi chưa xây xong không?
Tôi hiện mới mua một căn nhà chung cư đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành. Mà hiện tôi muốn được thế chấp căn nhà cho ngân hàng thì để lấy tiền đầu tư thì có được hay không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 147 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc thế chấp nhà ở nhà ở hình thành trong tương lai như sau:
- Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó; trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.
Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở.
- Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình; tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua chính nhà ở đó.
Như vậy, cá nhân chỉ được thế chấp nhà hình thành trong tương lai vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua chính nhà ở đó. Không được thế chấp nhà ở để đi đầu tư, dùng vào mục đích khác.
Nhà công vụ hư hỏng người thuê được sửa không?
Tôi có được thuê nhà công vụ để sử dụng. Mà hiện nay nhà đang bị hư đường ống nước, tôi đã báo bên quản lý nhưng chưa thấy phản hồi. Vậy tôi có thể tự thuê thợ tới sửa chữa được hay không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 34 Luật Nhà ở 2014 quy định về nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ như sau:
- Sử dụng nhà vào mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cho bản thân và các thành viên trong gia đình trong thời gian thuê nhà ở;
- Có trách nhiệm giữ gìn nhà ở và các tài sản kèm theo; không được tự ý cải tạo, sửa chữa, phá dỡ nhà ở công vụ; trường hợp sử dụng căn hộ chung cư thì còn phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư;
- Không được cho thuê lại, cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở công vụ;
- Trả tiền thuê nhà ở theo hợp đồng thuê nhà ở ký với bên cho thuê và thanh toán các khoản chi phí phục vụ sinh hoạt khác theo quy định của bên cung cấp dịch vụ;
- Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ;
- Chấp hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị cưỡng chế thu hồi nhà ở;
- Các nghĩa vụ khác về nhà ở theo quy định của luật và theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở công vụ.
Theo quy định trên thì người thuê nhà công vụ sẽ không được tự ý sửa chữa nhà công vụ. Như vậy trong trường hợp của bạn thì bạn sẽ không được thuê thợ về sửa lại đường ống nước. Bạn có thể tiếp tục liên hệ với cơ quan quản lý để yêu cầu họ sửa chữa, hoặc đề nghị họ cho phép mình tự sửa chữa.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?