Người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị thì chứng minh như thế nào để được mua nhà ở xã hội?

Có được bán lại nhà ở xã hội hay không? Người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị chứng minh thế nào để được mua nhà ở xã hội? Chủ dự án nhà ở thương mại có bắt buộc trích đất cho quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội không?

Có được bán lại nhà ở xã hội hay không?

Có được bán lại nhà ở xã hội hay không? Tôi có mua một căn nhà ở xã hội, mà hiện tại tôi đã làm ăn tốt hơn. Hiện tôi muốn bán căn nhà này đi mua nhà mới như vậy liệu có được không? Tiền nhà tôi đã thanh toán hết.

Trả lời:

Căn cứ Khoản 4, Khoản 5 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định về cho thuê, bán nhà ở xã hội như sau:

- Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

- Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế; trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại Luật này thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư mà thuê mua, mua nhà ở xã hội thì được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.

Theo quy định thì sau 5 năm kể từ khi thanh toán hết số tiền mua nhà ở xã hội thì sẽ được bán cho ra ngoài thị trường, đối với trường hợp chưa đủ 5 năm kể từ khi thạnh toán hết số tiền mua nhà thi sẽ chỉ được bán cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội hoặc cho người thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu mà đơn vị quản lý không mua với giá cao nhất có thể.

Do hiện tại không rõ bạn đã thanh toán hết tiền mua nhà bao nhiêu năm, nên bạn có thể tham khảo các quy định trên để biết thêm thông tin.

Người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị chứng minh thế nào để được mua nhà ở xã hội?

Người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị chứng minh thế nào để được mua nhà ở xã hội? Mình muốn mua nhà ở xã hội theo đối tượng là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị thì phải đáp ứng điều kiện nào và cần chứng minh như thế nào? Trân trọng cảm ơn.

Trả lời:

Theo Khoản 4 Điều 49 và Khoản 1 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 thì người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị là đối tượng được mua nhà ở xã hội.

* Điều kiện mua nhà ở xã hội

Căn cứ theo Điều 51 Luật Nhà ở 2014 thì người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị muốn mua nhà ở xã hội phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;

- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này;

- Phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

* Hồ sơ chứng minh đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội

Căn cứ pháp lý: Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP

- Giấy tờ chứng minh đối tượng: Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở.

- Giấy tờ chứng minh về điều kiện cư trú:

+ Trường hợp bạn có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh nơi có nhà ở xã hội thì chuẩn bị: Bản sao có chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể.

+ Trường hợp bạn không có đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh nơi có nhà ở xã hội thì chuẩn bị: Bản sao có chứng thực giấy đăng ký tạm trú; hoặc Bản sao có chứng thực hợp đồng lao động và giấy xác nhận (hoặc giấy tờ chứng minh) về việc có đóng BHXH tại nơi đăng ký mua nhà ở xã hội.

- Giấy tờ chứng minh về điều kiện thu nhập: Đối tượng mua nhà ở xã hội tự kê khai về mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về thông tin tự kê khai. Sở Xây dựng liên hệ với Cục thuế địa phương để xác minh thuế thu nhập của các đối tượng này trong trường hợp cần thiết.

Chủ dự án nhà ở thương mại có bắt buộc trích đất cho quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội không?

Chủ dự án nhà ở thương mại có bắt buộc trích đất cho quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội không? Đơn vị tôi đang chuẩn bị triển khai thi công Dự án chung cư cao tầng tại Thành phố Thái Nguyên. Theo tôi được biết thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm trích 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội. Dự án của đơn vị tôi có diện tích đất là 1.500m2. Vậy cho tôi hỏi: Trường hợp này đơn vị tôi có phải trích 20% theo quy định để xây dựng nhà ở xã hội không và có buộc trích đất của dự án không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở 2014 quy định:

Tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 3 thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ. Đối với các loại đô thị còn lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để yêu cầu chủ đầu tư phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội.

=> Như vậy, đối với các dự án xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị loại 3 trở lên (bao gồm: các đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 3) thì phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ (không phải theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

Đồng thời, căn cứ Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP có nội dung hướng dẫn như sau:

Điều 5. Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị

1. Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp Nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án).

2. Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này, hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội, hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

3. Đối với trường hợp bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội không phù hợp với quy hoạch của địa phương hoặc có bố trí nhưng không đủ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Như vậy:

Trường hợp 1: Dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị tại các đô thị loại 3 trở lên thì chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.

Trường hợp 2: Dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị tại các đô thị loại 3 trở lên, có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì chủ đầu tư được lựa chọn:

+ Dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội

+ Chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%

+ Nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Trường hợp 3: Bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội không phù hợp với quy hoạch của địa phương hoặc có bố trí nhưng không đủ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Theo thông tin bạn cung cấp dự án của đơn vị bạn thực hiện tại Thành phố Thái Nguyên.

Căn cứ Quyết định 1645/QĐ-TTg năm 2010 công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Tuy nhiên, đối với dự án nhà ở thương mại (dự án chung cư cao tầng) chỉ sử dụng 1.500m2 thì đơn vị bạn được quyền lựa chọn 1 trong 3 hình thức sau để tạo lập quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định như sau:

+ Dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội

+ Chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%

+ Nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Trân trọng!

Nhà ở xã hội
Hỏi đáp mới nhất về Nhà ở xã hội
Hỏi đáp Pháp luật
Bị giải tỏa nhà ở có được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không?
Hỏi đáp Pháp luật
Đất để phát triển nhà ở xã hội theo dự án hiện nay bao gồm những loại đất nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Mua nhà ở xã hội chưa đủ 05 năm, hiện tại nhà đã có Giấy chứng nhận thì có được bán cho người mua khác có nhu cầu hay không?
Hỏi đáp Pháp luật
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Hộ nghèo ở TP HCM được hỗ trợ tối đa 90 triệu đồng để mua nhà ở xã hội từ 21/10/2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Việc chuyển đổi công năng từ nhà ở xã hội sang nhà ở để phục vụ tái định cư chỉ được thực hiện khi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Khung giá thuê nhà dành cho đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh năm 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Thời gian xác định điều kiện về thu nhập để đăng ký thuê mua nhà ở xã hội là khi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Nhà ở xã hội là nhà chung cư được đầu tư xây dựng theo dự án thì phải đảm bảo các yêu cầu gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội không thuộc tài sản công như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Nhà ở xã hội
Nguyễn Đăng Huy
1,022 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Nhà ở xã hội

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Nhà ở xã hội

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào