Phải cấp dưỡng cho con nuôi khi vợ chồng ly hôn không? Chỉ có vợ hoặc chồng mới được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?
Có phải cấp dưỡng cho con nuôi khi vợ chồng ly hôn không?
Tôi tên Huê, tôi có một cô em gái đang có ý định ly hôn với chồng, vợ chồng em tôi lấy nhau được 10 năm. Vì một số nguyên nhân nên đã xin con nuôi. Việc quyết định nuôi là của em tôi nhưng vẫn có sự đồng ý của chồng. Tôi muốn hỏi là khi vợ chồng ly hôn thì có phải cấp dưỡng cho con nuôi không? Em tôi có thể yêu cầu chồng cấp dưỡng cho con nuôi khi ly hôn được không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi như sau:
- Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 cũng quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi:
- Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Ngoài ra, tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
- Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, theo quy định hiện nay con nuôi khi được xác lập quan hệ với cha mẹ nuôi thì có quyền và nghĩa vụ như giữa cha, mẹ, con. Nên đối chiếu với trường hợp của chị thì khi vợ chồng em gái ly hôn thì em rể vẫn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nuôi và em gái có quyền yêu cầu em rể cấp dưỡng cho con nuôi.
Chỉ có vợ hoặc chồng mới được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?
Liên quan đến quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình thì có phải:Chỉ có vợ hoặc chồng mới được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đúng không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Như vậy, không chỉ có vợ hoặc chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn mà cả hai người hoặc Cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu này khi có những căn cứ trên.
Lưu ý: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Vợ/chồng được thăm con bao nhiêu lần sau khi ly hôn?
Thưa luật sư, hiện tại em và chồng cũ của em đã ly hôn được 2 tháng và con chồng đang nuôi. Em chưa về thăm con lần nào kể từ khi ly hôn nhưng em muốn biết pháp luật có giới hạn số lần thăm gặp con không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định về quyền của vợ hoặc chồng không trực tiếp nuôi con được thăm nom con mà không ai được cản trở. Do đó, cũng không đặt ra quy định hạn chế đối với số lần thăm gặp con của vợ/chồng, bạn có thể linh hoạt về thời gian để thăm gặp con của mình.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?