Hợp đồng thuê nhà có phải lập thành văn bản và công chứng không?
Hợp đồng thuê nhà có phải lập thành văn bản và công chứng không?
Tôi và một số người bạn có thuê nhà ở quận 4 tuy nhiên không có lập hợp đồng gì hết, chỉ trả tiền rồi vào ở thôi. Nay chủ nhà đòi tăng tiền đột xuất nên chúng tôi muốn lập hợp đồng để ràng buộc hơn, cho hỏi hợp đồng thuê nhà có phải lập thành văn bản và có cần công chứng không?
Trả lời:
Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Theo Điều 121 Luật Nhà ở 2014 thì Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:
1. Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
2. Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
3. Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
4. Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
5. Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;
6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
7. Cam kết của các bên;
8. Các thỏa thuận khác;
9. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
10. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Như vậy, theo quy định của Luật Nhà ở thì hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản gồm các nội dung nêu trên, việc công chứng, chứng thực hợp đồng thuê nhà không mang tính bắt buộc sẽ được thực hiện khi các bên có yêu cầu.
Vừa ký hợp đồng thuê nhà mà chủ nhà chết thì có được thuê nữa không?
Em vừa ký hợp đồng thuê nhà 01 năm với bà chủ và đã trả tiền nhà 03 tháng, mới vừa dọn vào ở được 01 tháng thì được tin bà chủ nhà bị đột quỵ qua đời. Em vô cùng hoang mang không biết là em có được thuê tiếp không hay phải dọn đi nơi khác. Hợp đồng thuê nhà em đã ký với bà chủ thì còn hiệu lực không? Mong Ban tư vấn hãy giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn!
Ngọc Phượng - Bình Phước
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 133 Luật nhà ở 2014 khi chủ nhà chết nhưng hợp đồng thuê nhà vẫn còn thời hạn thì người thuê nhà có thể tiếp tục thuê nhà. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Hợp đồng bạn đã ký với chủ nhà vẫn có hiệu lực, và bạn có thể tiếp tục thuê ngôi nhà đó đến khi hết thời hạn hợp đồng. Hoặc bạn cũng có thể thỏa thuận với người thừa kế trả lại tiền nhà 2 tháng đã đóng trước, khoảng tiền bồi thường khác nếu như người thừa kế không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà đã ký.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Chủ nhà chết thì hợp đồng thuê nhà có chấm dứt không?
Tôi có thuê mặt bằng vừa kinh doanh vừa để ở, hợp đồng có thời hạn 3 năm. Nay không may nghe tin chủ nhà cho thuê chết do bệnh nặng, vậy hợp đồng thuê nhà có chấm dứt không? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 131 Luật Nhà ở 2014 thì các trường hợp chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở đó là:
1. Trường hợp thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà được thực hiện khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 của Luật này.
2. Trường hợp thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng;
b) Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
c) Nhà ở cho thuê không còn;
d) Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;
đ) Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác.
Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Chấm dứt theo quy định tại Điều 132 của Luật này.
Điều 133 Luật Nhà ở 2014 quy định về quyền tiếp tục thuê nhà ở như sau:
1. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người đang thuê nhà ở được tiếp tục thuê theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
2. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Khi bên thuê nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì người đang cùng sinh sống với bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp thuê nhà ở công vụ hoặc các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, trong trường hợp này vì hợp đồng thuê nhà vẫn còn thời hạn, nếu chủ sở hữu nhà ở chết thì gia đình bạn vẫn được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng. Khi đó, người thừa kế sẽ có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?