Có thể vừa khiếu nại quyết định hành chính, vừa khởi kiện vụ án hành chính được hay không?

Có thể vừa khiếu nại quyết định hành chính, vừa khởi kiện vụ án hành chính được không? UBND cấp huyện có nộp tiền án phí nếu làm người bị kiện trong vụ án hành chính không? Ai được quyền làm và ký đơn khởi kiện trong vụ án hành chính?

Có thể vừa khiếu nại quyết định hành chính, vừa khởi kiện vụ án hành chính được không?

Gia đình tôi có một mảnh đất diện tích hơn 1.000 m2 nhưng chưa đăng ký giấy chủ quyền, nguồn gốc đất do cha mẹ tôi để lại. Cách đây hai năm, một hộ có đất liền kề đã xin cấp giấy chứng nhận và kê khai lố 500 m2 bên phần đất nhà tôi. Tôi khiếu nại UBND huyện và yêu cầu hủy giấy chứng nhận đã cấp cho hộ kia. Gia đình tôi nhiều lần gửi đơn khiếu nại nhưng huyện cứ kéo dài thời gian giải quyết. Tôi muốn hỏi tôi có thể vừa khởi kiện vụ án hành chính tại tòa, đồng thời vừa khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết được không?

Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 33 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về xác định thẩm quyền trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện, cụ thể như sau:

Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.

Trường hợp người khởi kiện không thể tự mình làm văn bản thì đề nghị Tòa án lập biên bản về việc lựa chọn cơ quan giải quyết. Tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án xử lý như sau:

- Trường hợp người khởi kiện lựa chọn Tòa án giải quyết thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Tòa án;

- Trường hợp người khởi kiện lựa chọn người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết thì Tòa án căn cứ vào quy định tại điểm e khoản 1 Điều 123 của Luật này trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện.

Trường hợp hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Tòa án xem xét để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

Như vậy, bạn chỉ được lựa chọn một trong hai cách thức giải quyết, một là theo thủ tục giải quyết vụ án hành chính của Tòa án, hai là theo thủ tục khiếu nại hành chính.

UBND cấp huyện có nộp tiền án phí nếu làm người bị kiện trong vụ án hành chính không?

Trong vụ án khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND cấp huyện, nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện thì UBND có phải trả án phí sơ thẩm không?

Trả lời: Đương sự (trong tố tụng hành chính) bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo Khoản 9 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định: Người bị kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện.

Như vậy, trong trường hợp này thì UBND cấp huyện là người bị kiện theo quy định.

Mặt khác tại Khoản 2 Điều 55 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định nghĩa vụ của đương sự: Nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạch đó, tại Khoản 2 Điều 32 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH quy định trong trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện (hủy quyết định thu hồi đất trái phép) thì UBND cấp huyện phải trả tiền án phí sơ thẩm vụ án hành chính.

Ai được quyền làm và ký đơn khởi kiện trong vụ án hành chính?

Công ty TNHH A vi phạm hành chính và đã bị Ủy ban nhân dân ra Quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm. Không đồng ý với quyết định xử phạt, công ty đã khởi kiện theo vụ án hành chính tại tòa có thẩm quyền thụ lý. Công ty A đã ủy quyền cho chị B là kế toán thực hiện tham gia tố tụng và viết đơn khởi kiện. Trong đơn khởi kiện, chị B đã ký tên mình vào dưới đơn khởi kiện và bị Tòa án nơi thụ lý trả lại đơn khởi kiện. Xin hỏi, Tòa làm như vậy có đúng không?

Trả lời: Căn cứ Khoản 5 Điều 117 Luật Tố tụng hành chính 2015 nêu rõ như sau:

- Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Như vậy, việc chị B viết đơn khởi kiện là đúng thủ tục khởi kiện, nhưng việc ký tên vào đơn phải do người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH A, cụ thể ở đây là Giám đốc ký tên và đóng dấu. Do đó việc chị Lam ký tên vào đơn khởi kiện đã vi phạm vào Điểm a, Khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định thẩm phán trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện không có quyền khởi kiện. Nhận thấy, Tòa án trả lại đơn khởi kiện là đúng với quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

467 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào