Liệu có được phản đối quyết định thu hồi đất không? Có được ủy quyền quyết định thu hồi đất hay không?
Liệu có được phản đối quyết định thu hồi đất hay không?
Chuyện là gia đình tôi có nhận được quyết định thu hồi đất để mở rộng đường giao thông. Nhưng do đất nhà tôi rất ít mà hầu như đều bị thu hồi, trong khi ấy, những nhà trong ngõ sẽ đương nhiên được ra mặt đường, dù là có những chính sách bồi thường. Tuy nhiên, gia đình tôi không đồng ý nên không có ký bất kì một văn bản nào. Hôm trước chúng tôi có nhận được Quyết định thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, tôi đang rất lo lắng khi cưỡng chế đồ đạc trong nhà sẽ bị đập phá, các bạn vui lòng hỗ trợ giúp: Người dân có được phản đối quyết định thu hồi đất không? Có văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời.
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Điều 62 Luật đất đai 2013, có quy định: thu hồi đất để mở rộng đường giao thông thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo đó, tại Điều 67 Luật đất đai 2013 có quy định thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định như sau:
- Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
- Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.
- Người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất.
=> Như vậy, trường hợp của bạn khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai thì gia đình bạn buộc phải chấp hành quyết định thu hồi. Khi thu hồi đất phía cơ quan Nhà nước đã có những chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi. Vì sự phát triển của nước nhà thì bạn chịu thiệt thòi chút ít nhé, nhưng biết đâu khi đường giao thông phát triển, thuận tiên lưu thông thì địa phương cũng sẽ có những chính sách phát triển tốt hơn chăm lo cho cuộc sống người dân ngày càng đi lên.
Đồng thời, nếu bạn muốn biết việc cưỡng chế thu hồi có đúng với quy định pháp luật không, thì bạn có thể tham khảo thêm tại Điều 71 Luật đất đai 2013 nhé.
Có được ủy quyền quyết định thu hồi đất hay không?
Tôi có một thắc mắc như thế này cần được giải đáp. Cụ thể là theo quy định của pháp luật thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (UBND cấp huyện) đều có thẩm quyền quyết định thu hồi đất nhất định. Vậy cho tôi hỏi, theo quy định thì UBND tỉnh có được ủy quyền cho UBND huyện quyết định thu hồi đất thuộc thẩm quyền thu hồi của mình hay không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật thì Nhà nước có thể thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
- Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;
- Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
- Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
- Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người
Trong đó, việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải dựa trên các căn cứ nhất định theo quy định của pháp luật về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo quy định tại Điều 66 Luật Đất đai 2013 thì:
UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
- Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
- Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
- Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
- Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Như vậy, UBND cấp nào thi có thẩm quyền thu hồi đất tương ứng với cấp đó và không được ủy quyền.
Tuy nhiên, Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Thực hiện phương án tái định cư trước hay sau khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất?
Tôi là sinh viên trường Nông lâm, hiện đang có nhu cầu tìm hiểu một số vấn đề về việc cưỡng chế, thực hiện quyết định thu hồi đất, tuy nhiên vẫn còn lăn tăn một vấn đề nhỏ, cụ thể là: Thực hiện phương án tái định cư trước hay sau khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được phản hồi.
Trả lời: Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 71 Luật đất đai 2003, có quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất, trong đó có quy định việc thực hiện phương án tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế, cụ thể:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;
- Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán;
- Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu;
=> Như vậy Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thực hiện phương án tái định cư cho người có đất bị thu hồi trước khi tiến hành thu hồi đất của họ để họ có thể ổn định đời sống ngay khi đất bị Nhà nước thu hồi.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra hình sự Công an cấp huyện như thế nào?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Không vẫy tay khi sang đường có bị phạt không?
- Tải Mẫu 41/UQ-ĐKT Mẫu Giấy uỷ quyền đăng ký thuế từ ngày 06/2/2025?
- Cách gói bánh tét dịp tết Nguyên đán? Người lao động chính thức nghỉ tết Nguyên đán 2025 vào mùng mấy?