Quy định về nội dung và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng
Nội dung kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng
Nội dung kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021, cụ thể như sau:
- Triển khai, quán triệt Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình về công tác kiểm tra, giám sát.
- Lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành pháp luật của Nhà nước.
- Xây dựng và chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp dưới xây dựng phương hướng, nhiệm vụ; phân công cấp ủy viên, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo, đôn đốc cấp ủy cấp dưới thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.
- Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng và để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân tham gia giám sát, phản biện.
- Ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc các cơ quan liên quan.
- Nghe báo cáo và chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; giải quyết kiến nghị của tổ chức đảng cấp dưới; định kỳ sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
- Chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra, về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra.
- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
- Đề xuất với cấp có thẩm quyền về những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng
Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021, cụ thể như sau:
2.1. Chủ thể kiểm tra: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.
2.2. Đối tượng kiểm tra
2.2.1. Tổ chức đảng thuộc phạm vi quản lý, trước hết là tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp.
2.2.2. Đảng viên thuộc phạm vi quản lý, trước hết là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cấp mình quản lý, cán bộ giữ cương vị chủ chốt hoặc được giao các nhiệm vụ quan trọng.
2.3. Nội dung kiểm tra
2.3.1. Đối với tổ chức đảng
a) Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
b) Việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng.
c) Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên.
d) Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
đ) Việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
e) Việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, nâng ngạch, bố trí, sử dụng, giới thiệu ứng cử, bầu cử, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ.
g) Việc lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2.3.2. Đối với đảng viên: Tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
2.4. Thẩm quyền và trách nhiệm
2.4.1. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và tình hình thực tế để xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, xác định rõ nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành, tổ chức thành phần đoàn kiểm tra.
2.4.2. Yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu theo nội dung kiểm tra và phải giữ bí mật thông tin, tài liệu.
2.4.3. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy trực tiếp kiểm tra hoặc giao ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên; xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật; quyết định bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2.4.4. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám định chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến nội dung kiểm tra.
Trân trọng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?