Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi trốn thuế chưa đạt?
Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi trốn thuế chưa đạt?
Mình muốn tư vấn về tội trốn thuế, tội này có bắt buộc phải có hậu quả xảy ra không? Trường hợp làm hồ sơ giả để miễn thuế tiền chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không đạt được do bị phát hiện thì có phạm tội trốn thuế không?
Trả lời: Căn cứ Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
...
d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
đ) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
e) Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
...
i) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.”;
=> Theo đó, có thể thấy hành vi trốn thuế nếu từ 100 triệu đến 300 triệu hoặc dưới 100 triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự thì không cần phải có hậu quả xảy ra, chỉ cần có một số hành vi được liệt kê nêu trên thì đủ để cấu thành tội Trốn thuế.
Ngoài ra chúng tôi thông tin thêm, nếu số tiền trốn thuế không đủ 100 triệu mà chưa từng bị phạt hành chính hoặc chưa phạm tội trốn thuế cũng như các tội tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 Bộ luật hình sự 2015 thì căn cứ Khoản 7 Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC quy định:
Các hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, Khoản 1 Điều này bị phát hiện trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế hoặc bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nhưng không làm giảm số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn, không làm tăng số thuế miễn, giảm và không thuộc trường hợp bị xử phạt đối với hành vi trốn thuế thì bị xử phạt về hành vi vi phạm về thủ tục thuế theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 hoặc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
Trong đó, các hành vi tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, Khoản 1 Điều này bao gồm:
b) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
...
d) Lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế.
...
g) Sử dụng hàng hóa được miễn thuế, xét miễn thuế (bao gồm cả không chịu thuế) không đúng với mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.
k) Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; khai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận.
Như vậy, tội trốn thuế không phụ thuộc vào kết quả thực hiện hành vi đạt hay không đạt, mà chỉ cần thực hiện hành vi trốn thuế thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tránh xe phải lấn làn gây tai nạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tôi điều khiển xe tải vì tránh xe khác lên có lấn làn đường gây tai nại cho xe máy đi ngược chiều hậu quả một người bị thương ở gò má và một người bị thương ở đầu gối. Tôi và bên gia đình bị nại đã thỏa thuận đền bù với nhau và cam kết không khởi kiện. Vậy tôi xin hỏi luật sư là tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời: *Trường hợp 1: Việc lấn làn của bạn là sự kiện bất ngờ.
Theo Điều 20 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nếu việc lấn làn của bạn là sự kiện bất ngờ thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.
*Trường hợp 2: Việc lấn làn của bạn không phải là sự kiện bất ngờ.
Theo Khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Như vậy việc bạn đi lấn làn sang làn đường khác đã vi phạm quy định về giao thông đường bộ.
Căn cứ vào Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về cấu thành của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
"1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
...."
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn gây tai nạn và hậu quả là một người bị thương ở gò má và một người bị thương ở đầu gối, nếu 02 người này có tổng tỷ lệ thương tật từ từ 61% đến 121% thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.
Nếu tổng thương tật hai người đó không đến 61% thì bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chịu các trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại).
Mua điện thoại là tài sản cướp giật thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Em là sinh viên đại học, vừa rồi bạn em có bán cho em một chiếc lap top dell cũ với giá 3 triệu đồng, em thấy giá cả cũng phải chăng nên đã mua, sau đó thì bạn em bị công an bắt vì tội cướp giật tài sản, hôm rồi em bị công an mời lên làm việc và yêu cầu trả lại chiếc máy tính laptop của em vì đây là tài sản mà bạn em đã cướp giật của một sinh viên khác. Anh chị cho em hỏi trường hợp này em có phải trả lại tài sản không? Nếu không trả em có bị coi là tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cụ thể như sau:
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
....
Căn cứ quy định trên thì phải hiểu như sau:
- Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã chứa chấp tài sản (cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản, cho để nhờ, cho thuê địa điểm cất giữ, bảo quản tài sản) mà mình biết rõ do người khác phạm tội (như cướp, trộm cắp, lừa đảo…) mà có.
- Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản (mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó) mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có.
Mặt khác căn cứ Điều 167 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình theo đó:
- Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Trong trường hợp này, Công an phải chứng minh được dấu hiệu bạn tuy không hứa hẹn trước mà chứa chấp hoặc tiêu thụ số tiền biết rõ là do người bạn của mình phạm tội mà có thì bạn mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Nếu không chứng minh được thì bạn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra căn cứ quy định của pháp luật thì mặc dù đây là trường hợp bạn đã ngay tình trong việc mua chiếc máy tính kia, tuy nhiên vì đây là tài sản có được do cướp giật mà có do vậy trong trường hợp này bạn có nghĩa vụ phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu trước đây. Để bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn có thể khởi kiện người bạn của bạn để yêu cầu được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Truy cứu trách nhiệm hình sự có thể đặt câu hỏi tại đây.