Chồng có được nghỉ để đưa vợ đi sinh hay không? Tiền dưỡng sức sau sinh công ty hay cơ quan BHXH trả?
1. Chồng có được nghỉ để đưa vợ đi sinh không?
Vợ em sắp sinh thì em có được xin nghỉ trước đó 1 tuần để đưa vợ đi đẻ không? Nếu được thì những ngày này sẽ được BHXH chi trả đúng không ạ? Mong được hỗ trợ sớm.
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con, trong đó:
Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Như vậy, lao động nam đang đóng BHXH thì sẽ được nghỉ việc khi vợ sinh con. Tuy nhiên, thời gian nghỉ sẽ được tính trong thời 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh. Do đó, khi anh nghỉ trước ngày vợ sinh thì sẽ không được hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả.
Tuy nhiên, anh có thỏa thuận với công ty xin nghỉ không lương để có thể chăm sóc vợ, nếu công ty đồng ý. Sau đó, khi vợ sinh con thì anh sẽ được hưởng chế độ như trên.
2. Tiền dưỡng sức sau sinh công ty hay cơ quan BHXH trả?
Tôi muốn hỏi, sau khi nghỉ thai sản thì tôi muốn nghỉ dưỡng sức sau sinh vì sức khỏe yếu. Vậy tiền dưỡng sức tôi được công ty trả hay cơ quan BHXH trả? Và nộp hồ sơ hưởng tiền dưỡng sức cho ai?
Trả lời:
Theo Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:
- Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
- Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
+ Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
+ Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
+ Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
- Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 84 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội để trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại Chương III và Chương IV của Luật này.
Mà chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 - Thuộc Chương III.
Do đó, tiền dưỡng sức sau sinh do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, không phải công ty chi trả. Về hồ sơ thì chị sẽ nộp cho công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản để được công ty lập danh sách và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội (Điều 103 Luật này).
3. Các trường hợp không sinh con nhưng vẫn được hưởng chế độ thai sản
Em nghe nói không chỉ người lao động sinh con mới được hưởng chế độ thai sản mà còn nhiều trường hợp khác, vậy các trường hợp đó là gì? Nếu họ đóng đầy đủ BHXH.
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Như vậy, đối chiếu quy định trên thì ngoài trường hợp là sinh con ra có rất nhiều trường hợp được hưởng chế độ thai sản, kể cả là lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con như đã đề cập trên.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm những gì?
- Tỉnh Tuyên Quang cách thủ đô Hà Nội bao nhiêu km? Tỉnh Tuyên Quang có bao nhiêu thôn đặc biệt khó khăn?
- Ai là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân? Nguyên tắc hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân là gì?
- Sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ như thế nào từ 01/01/2025?
- Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất được tổ chức vào thời gian nào?