Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng theo quy chế làm việc của BGDĐT quy định thế nào? Nguyên tắc làm việc ra sao?
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng quy chế làm việc của Bộ giáo dục và đào tạo
Căn cứ Điều 1 Quy chế làm việc của Bộ giáo dục và đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định 355/QĐ-BGDĐT năm 2022) quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như sau:
1. Quy chế này quy định nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Bộ).
2. Quy chế này áp dụng đối với các vụ, cục, Thanh tra, Văn phòng (sau đây gọi là đơn vị thuộc Bộ); cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Nguyên tắc làm việc của Bộ giáo dục và đào tạo
Bên cạnh đó tại Điều 2 Quy chế này cũng quy định về nguyên tắc làm việc như sau:
1. Bộ làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Mọi hoạt động của Bộ tuân thủ các quy định của Hiến pháp, pháp luật và Quy chế làm việc của Bộ. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị thuộc Bộ giải quyết công việc bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền được giao.
2. Bộ trưởng điều hành hoạt động của đơn vị chủ yếu thông qua người đứng đầu đơn vị. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và công việc được phân công.
3. Mỗi nhiệm vụ chỉ giao một đơn vị chủ trì giải quyết và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng; trường hợp một nhiệm vụ có nội dung liên quan đến nhiều đơn vị thì đơn vị liên quan đến công việc chuyên môn nhiều nhất làm đầu mối chủ trì. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chính về chất lượng, tiến độ, kết quả xử lý công việc được phân công.
4. Mỗi nhiệm vụ của đơn vị có thể giao cho một hoặc một số công chức, viên chức, người lao động chịu trách nhiệm xử lý, trong đó phải xác định người đầu mối chịu trách nhiệm chính. Người được giao đầu mối xử lý công việc chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị về chất lượng, tiến độ, kết quả công việc được giao.
Đối với đơn vị có cơ cấu phòng: mỗi nhiệm vụ của đơn vị chỉ giao một phòng chủ trì thực hiện; trường hợp một nhiệm vụ có nội dung liên quan đến nhiều phòng thì phòng liên quan đến công việc chuyên môn nhiều nhất làm đầu mối chủ trì. Trưởng phòng tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị về công việc được giao; công chức, viên chức, người lao động trong phòng thực hiện nhiệm vụ theo phân công của trưởng phòng và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị, trưởng phòng về kết quả công việc được giao.
5. Trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc tuân thủ quy định của pháp luật, Quy chế làm việc của Bộ và theo chương trình, kế hoạch, trừ trường hợp đột xuất hoặc có yêu cầu khác của cấp có thẩm quyền.
6. Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ và hiệu quả trong mọi hoạt động; thường xuyên thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?