Có nhận được thừa kế khi có bản án ly hôn hay không?
Có nhận được thừa kế khi có bản án ly hôn hay không?
Vợ chồng tôi kết hôn năm 2003, có 2 đứa con và trước khi kết hôn chồng tôi được bố mẹ tặng cho 1 mảnh đất 500 mét vuông. Sau khi kết hôn, vợ chồng cũng xây được 1 căn nhà cấp 4 trên diện tích đất đó. Do vợ chồng luôn xảy ra mâu thuẫn nên chồng tôi gửi đơn ly hôn lên Tòa. Ngày 20/7/2017 Tòa án xét xử sơ thẩm và ra bản án ly hôn đối với vợ chồng tôi. Nhưng vào ngày 10/8/2017 chồng tôi bị tai nạn qua đời và không để lại di chúc. Cho hỏi quyết định ly hôn của tôi có hiệu lực chưa? Và tôi có đươc nhận thừa kế từ chồng tôi không?
Trả lời: Theo quy định Khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn kháng cáo của bản án sơ thẩm như sau:
"Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án."
và theo Khoản 1 Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì quy định rõ thời hạn kháng nghị như sau:
"Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án"
Như vậy, bản án sơ thẩm có hiệu lực khi hết thời hạn 1 tháng kể từ ngày tuyên án khi không có kháng cáo, kháng nghị.
Nhưng theo tình huống thì bản án ly hôn đối với vợ chồng bạn từ ngày 20/7/2017 đến ngày 10/8/2017 nên bản án ly hôn này chưa có hiệu lực pháp luật. Và anh chị được xem vẫn còn quan hệ vợ chồng
Mặc khác, chồng chị chết không để lại di chúc thì toàn bộ di sản của chồng chị được chia theo pháp luật. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì các hàng thừa kế như sau:
"Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại."
Như vậy, bạn vẫn được nhận di sản thừa kế của chồng bạn để lại.
Bố chết sau ông nội 16 năm thì di sản thừa kế chia như thế nào?
Ông tôi chết năm 2000, tài sản của ông tôi là một giấy chứng nhận QSDĐ cấp năm 1994. Ông tôi có 3 người con. Trong đó cha tôi chết năm 2016 (hai người chú vẫn còn sống). Nay phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất nêu trên. Xin hỏi tôi không được thừa kế thế vị vậy mẹ tôi và tôi có được thay thế vào vị trí của cha tôi để được hưởng phần của cha tôi hay không vì theo luật thì cha tôi phải chết trước hặc cùng thời điểm thì tôi là con mới được thừa kế thế vị.
Trả lời: Theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
"1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản."
Như vậy, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Ông bạn chết năm 2000 thì đây là thời điểm mở thừa kế đối với phần di sản của ông bạn để lại. Vào thời điểm ông bạn chết và không để lại di chúc thì tài sản được chia theo pháp luật.
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì về người thừa kế theo pháp luật như sau:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Và tại Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."
Tại thời điểm ông bạn mất năm 2000 thì bố bạn còn sống. Do đó bố bạn sẽ được hưởng phần di sản của ông bạn để lại theo hàng thừa kế thứ nhất. Theo quy định thì người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó, bố bạn sẽ được hưởng 1/3 di sản của ông bạn để lại. 2/3 di sản còn lại sẽ chia đều cho 2 người chú ruột của bạn.
Năm 2016 bố bạn mất nhưng tài sản của ông bạn chưa được chia xong thì bạn và mẹ của bạn sẽ đại diện phần tài sản mà đáng ra bố bạn được nhận khi phân chia tài sản theo pháp luật. Do đó, trường hợp này bạn và mẹ bạn đều có quyền thay mặt bố bạn hưởng 1/3 tài sản của ông bạn để lại.
Lưu ý: Trong trường hợp này không xuất hiện thừa kế thế vị như bạn phân tích. Bởi lẽ bố bạn chết sau thời điểm ông của bạn mất. Khi ông bạn mất thì bố bạn đương nhiên được phân chia di sản của ông bạn để lại. Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.
Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không có di chúc được thực hiện như thế nào?
Bố mẹ tôi chết không để lại di chúc. Chị em tôi đã có gia đình và có nhà riêng, còn tôi vẫn sống trên phần đất của bố mẹ để lại. Nay tôi muốn bán đi một phần đất thì tôi phải làm gì để chị em nhường quyền và sang tên sổ đỏ của bố mẹ cho tôi. Tôi cảm ơn luật sư ạ.
Trả lời:
- Thứ nhất, gia đình bạn chỉ có 3 thành viên và 3 thành viên này cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên khi thừa kế theo pháp luật sẽ chia thành 3 phần bằng nhau. (Theo Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015)
- Thứ hai, việc phân chia di sản theo pháp luật như sau: Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia (Theo Điều 660 Bộ luật dân sự 2015).
=> Như vậy, nếu bạn muốn bán một phần đất này thì có thể họp gia đình để tiến hành thỏa thuận phân chia di sản sau đó sẽ tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bán, nếu không thỏa thuận được thì căn nhà này được bán sau đó sẽ chia đều cho 3 thành viên.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?