Đảm bảo an toàn cháy đối với nhà thuộc nhóm F1.3 có chiều cao từ trên 75 m đến 100 m được quy định như thế nào?
Căn cứ Tiểu mục A.3.1 Mục A.3 Phụ lục A Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD quy định chung trong đảm bảo an toàn cháy đối với nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1.3 (nhà chung cư) có chiều cao PCCC từ trên 75 m đến 100 m như sau:
A.3.1.1 Bậc chịu lửa của nhà tối thiểu là bậc I, yêu cầu chịu lửa của kết cấu và bộ phận nhà lấy theo A.2.24, ngoại trừ các trường hợp được quy định tại A.3.1.10 và A.3.1.14.
A.3.1.2 Nhà phải được phân chia thành các khoang cháy theo chiều cao, với chiều cao mỗi khoang không lớn hơn 50 m. Các khoang cháy phải được ngăn cách với nhau bằng một sàn ngăn cháy có giới hạn chịu lửa tối thiểu REI 150 hoặc bằng một tầng kỹ thuật với kết cấu chịu lực theo phương ngang (sàn và trần) có giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 90.
A.3.1.3 Diện tích cho phép lớn nhất của một tầng nhà trong phạm vi một khoang cháy không được lớn hơn 2 200 m2.
A.3.1.4 Tại các vị trí giao nhau giữa sàn ngăn cháy và các bộ phận ngăn cháy với kết cấu bao che của nhà phải có giải pháp bảo đảm không để cháy lan truyền qua các bộ phận ngăn cháy.
A.3.1.5 Mỗi khoang cháy theo chiều cao phải có hệ thống bảo vệ chống cháy (cấp nước chữa cháy, thoát khói, chiếu sáng thoát nạn, báo cháy, chữa cháy tự động) hoạt động độc lập. Cho phép các khoang cháy sử dụng chung trạm bơm cấp nước, trạm bơm chữa cháy, quạt hút khói, tủ trung tâm báo cháy.
A.3.1.6 Phía trên lối ra từ các gara ở tầng một phải bố trí các mái đua bằng vật liệu không cháy có chiều rộng không nhỏ hơn 1,0 m và bảo đảm khoảng cách từ mái đua này tới cạnh dưới của các lỗ cửa sổ bên trên không nhỏ hơn 4,0 m.
A.3.1.7 Khoảng cách giới hạn cho phép từ cửa ra vào của căn hộ đến lối ra thoát nạn gần nhất (buồng thang bộ hoặc lối ra bên ngoài) phải tuân thủ A.2.19.
A.3.1.8 Chiều rộng thông thủy bản thang và chiếu thang của các buồng thang bộ loại N1 tại phần ở của nhà phải không nhỏ hơn 1,20 m; buồng thang bộ loại N2 không nhỏ hơn 1,05 m với khoảng cách hở thông thủy giữa các bản thang không nhỏ hơn 100 mm.
A.3.1.9 Từ tất cả các buồng thang bộ không nhiễm khói phải có các bản thang dẫn lên mái qua các cửa ngăn cháy loại 2. Cửa căn hộ dẫn ra hành lang phải là cửa ngăn cháy loại 1.
A.3.1.10 Phần có công năng khác của nhà (kể cả các phòng kỹ thuật, phòng phụ trợ phục vụ cho phần căn hộ) phải được ngăn cách với phần căn hộ của nhà bằng tường ngăn cháy đặc có giới hạn chịu lửa REI 150 và sàn ngăn cháy loại 1 đồng thời có các lối ra thoát nạn riêng.
A.3.1.11 Các giếng thang máy của phần căn hộ không được thông với phần còn lại của nhà. Các giếng của hệ thống kỹ thuật (kể cả đường ống rác) của phần căn hộ và phần còn lại của nhà phải riêng biệt.
A.3.1.12 Lớp cách nhiệt (nếu có) của tường ngoài nhà phải được làm bằng vật liệu không cháy. Cho phép sử dụng lớp cách nhiệt từ vật liệu có nhóm cháy Ch1 và Ch2 nếu nó được bảo vệ từ tất cả các phía bằng bê tông hoặc vữa trát có chiều dày không nhỏ hơn 50 mm. Tại các vị trí lắp khuôn cửa sổ và cửa đi trên tường ngoài chiều dày của lớp bê tông (vữa trát) này phải không nhỏ hơn 30 mm.
A.3.1.13 Các cụm cửa sổ và các mảng lắp kính của ban công và lôgia phải làm từ vật liệu không cháy hoặc cháy yếu (Ch1).
A.3.1.14 Các cửa ngăn cháy phải được bố trí phù hợp cho từng trường hợp như sau:
a) Cửa ngăn cháy trên tường và sàn ngăn cách các khoang cháy phải có giới hạn chịu lửa không thấp hơn EI 90.
b) Cửa ngăn cháy phải là loại 1 trong các trường hợp cửa ở tường bên trong của buồng thang bộ không nhiễm khói và sảnh thang máy, cửa của căn hộ đi ra hành lang chung, cửa trên các kết cấu bao che phòng kỹ thuật, phòng chứa thiết bị hoặc vật liệu có nguy cơ cháy cao, giếng và khoang kỹ thuật.
c) Cửa ngăn cháy là loại 2 trong trường hợp: cửa từ khoang đệm đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói, vào sảnh thang máy và vào phòng có ống đổ rác.
d) Cửa của giếng thang máy (cửa tầng thang máy) đi vào sảnh thang máy phải là các cửa không lọt khói.
CHÚ THÍCH: Cửa tầng thang máy là cửa ra vào được thiết kế để lắp đặt trong giếng thang tại nơi đỗ để cho phép đi vào và ra khỏi cabin.
A.3.1.15 Vật liệu hoàn thiện trần, tường, sàn trên các đường thoát nạn, trong sảnh thang máy, sảnh chung, tầng kỹ thuật phải là vật liệu không cháy.
A.3.1.16 Lớp cách âm của các phòng, cũng như cách nhiệt cho thiết bị và đường ống kỹ thuật phải làm từ vật liệu không cháy
A.3.1.17 Các đường ống của hệ thống kỹ thuật (thoát nước, dẫn nước mưa, cấp nước nóng và lạnh, ống thu rác) được làm bằng vật liệu không cháy. Các đường ống cấp nước trong phạm vi một căn hộ (trừ trục đứng) được phép làm bằng vật liệu cháy nhóm Ch1 và Ch2.
CHÚ THÍCH: Trường hợp sử dụng ống UPVC hoặc các vật liệu cháy nhóm Ch1, Ch2 cho đường ống cấp, thoát nước thì các đường ống này ngoài việc bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng, phải được đặt trong hộp kỹ thuật và bảo đảm yêu cầu về ngăn chặn cháy lan.
A.3.1.18 Việc bảo vệ chống khói cho nhà, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động thực hiện theo các quy định bổ sung dưới đây:
a) Tất cả các phòng không phải căn hộ (gara, phòng phụ trợ, phòng kỹ thuật, không gian công cộng, khoang chứa rác và các phòng có công năng tương tự) và ống đổ rác phải có đầu phun sprinkler (trừ các gian phòng kỹ thuật điện, điện tử có yêu cầu bố trí hệ thống hoặc thiết bị dập lửa thể khí).
b) Bên trên các cửa vào căn hộ phải lắp các sprinkler nối với đường ống cấp nước chữa cháy thông qua rơ le dòng.
c) Hệ thống báo cháy tự động phải báo rõ địa chỉ của từng căn hộ. Trong các phòng của căn hộ và các hành lang tầng, kể cả sảnh thang máy phải lắp đặt đầu báo khói. Trong mỗi căn hộ phải trang bị hệ thống loa truyền thanh để hướng dẫn thoát nạn, bảo đảm mọi người trong căn hộ có thể nghe rõ thông báo, hướng dẫn khi có sự cố.
d) Cần trang bị hệ thống báo cháy, thiết bị, phương tiện chữa cháy tự động trong các kênh, giếng kỹ thuật điện, thông tin liên lạc và giếng kỹ thuật khác có nguy hiểm cháy
e) Nguồn điện cấp cho hệ thống bảo vệ chống cháy gồm: thang máy phục vụ chuyên chở lực lượng, phương tiện chữa cháy; hệ thống bảo vệ chống khói; hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; phải được lấy từ các tủ điện độc lập hoặc các bảng điện riêng với mầu sơn khác nhau đi theo hai tuyến riêng biệt tới thiết bị phân phối của từng khoang cháy.
A.3.1.19 Các dây, cáp điện của nguồn điện cấp cho hệ thống phòng cháy chữa cháy trong phạm vi một khoang cháy phải được đặt trong các ống hoặc hộp làm bằng vật liệu không cháy hoặc bằng kim loại với các lớp bao che. Các ống hoặc hộp nằm trong khoang cháy phải bảo đảm giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 90, các ống nằm bên ngoài khoang cháy phải bảo đảm giới hạn chịu lửa không nhỏ hơn REI 120.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu từ 01/07/2025?
- Phân cấp của đầu phát hiện khói công nghệ hút của hệ thống báo cháy theo TCVN 7568-20:2016 (ISO 7240-20:2010)?
- Thí sinh tự do năm 2025 thi tốt nghiệp THPT chương trình cũ hay mới?
- Đã có Thông tư 25/2024/TT-BTNMT quy định quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai?
- Tải Mẫu giấy mời họp phụ huynh học sinh cuối học kì 1 cấp 1, 2 3 năm học 2024-2025?