Những giải pháp đột phá về chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030?

Những giải pháp đột phá về chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 hiện nay được quy định thế nào?

Căn cứ Tiểu mục 1 Mục III Điều 1 Quyết định 2013/QĐ-TTg năm 2021 quy định các giải pháp đột phá về chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 như sau:

1. Các giải pháp đột phá

a) Tăng cường nghiên cứu, tham mưu chính sách

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm đánh giá về xu thế, vai trò, biện pháp ngoại giao văn hóa trong chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách về ngoại giao văn hóa phù hợp cho Việt Nam, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của đối ngoại và phát triển văn hóa Việt Nam.

- Tham mưu đổi mới trong việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động ngoại giao văn hóa ở trong và ngoài nước với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với văn hóa của từng địa bàn, đối tượng.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết và nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết các văn bản mới liên quan tới lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục... nhằm thu hút nguồn lực ở trong và ngoài nước, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.

b) Tăng cường cơ chế phối hợp, thực hiện

- Hoàn thiện cơ chế phối hợp về ngoại giao văn hóa một cách hệ thống, đồng bộ, liên thông trên cơ sở phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như thực tiễn phát triển của đất nước và các cam kết quốc tế.

- Huy động sự tham gia của cả Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân, theo đó:

+ Chính phủ đóng vai trò chủ đạo, triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa cấp nhà nước, khu vực và quốc tế;

+ Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ trì tổ chức các hoạt động ngoại giao văn hóa trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của mình;

+ Các tập đoàn, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa, phim ảnh, âm nhạc, võ thuật... đồng thời tăng cường kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao, trong các hoạt động giao lưu nhân dân để quảng bá văn hóa Việt Nam ra bên ngoài;

+ Người dân, nhất là đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, lưu học sinh Việt Nam, người Việt Nam đi du lịch... được khuyến khích trong vai trò sứ giả lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam;

+ Các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại; các đoàn thể xã hội phát huy vai trò cầu nối trong giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với các nước.

c) Tăng cường nguồn lực

- Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có khả năng nghiên cứu, xây dựng chính sách về ngoại giao văn hóa, được đào tạo bài bản, có hiểu biết về tình hình thế giới, văn hóa các nước và văn hóa Việt Nam cũng như có kinh nghiệm thực tế về tổ chức sự kiện.

- Triển khai tốt các đề án bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ ngoại giao, cán bộ làm công tác đối ngoại tại các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức nhân dân.

- Tiếp tục đưa ngoại giao văn hóa vào đào tạo trong các trường đại học chuyên ngành ngoại giao và văn hóa nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao văn hóa ngày càng chuyên nghiệp, bài bản.

- Nhà nước dành nguồn ngân sách thích đáng, phù hợp, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hóa và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Xây dựng cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với các cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc có đóng góp tích cực cho công tác ngoại giao văn hóa.

d) Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế

- Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ các mục tiêu hòa bình, an ninh, phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín quốc gia. Cụ thể: cùng với ngoại giao chính trị xây dựng lòng tin với các quốc gia, khu vực qua đó góp phần “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa”; cùng với ngoại giao kinh tế góp phần thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

- Gắn ngoại giao văn hóa với các xu thế lớn của thế giới như phát triển xanh, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, công bằng xã hội, bình đẳng giới... và các vấn đề mà người dân, doanh nghiệp quan tâm.

đ) Gắn kết ngoại giao văn hóa với địa phương, người dân, doanh nghiệp và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài

- Gắn kết chặt chẽ Chiến lược Ngoại giao văn hóa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn của các địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, tiềm năng và thế mạnh về hợp tác, đầu tư, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác với các thành phố địa phương trên thế giới.

- Phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm phục vụ người dân, góp phần phát triển con người toàn diện, giúp nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa, tạo cơ hội tốt để người dân trong nước tiếp xúc và hiểu hơn về nhiều nền văn hóa trên thế giới.

- Tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài được tiếp nhận thông tin, sản phẩm văn hóa từ trong nước để giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa Việt Nam ở sở tại; tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động về nguồn hướng đồng bào Việt Nam ở các nước về quê hương thông qua các hoạt động tham quan, tìm hiểu địa điểm văn hóa, lịch sử, chủ quyền của đất nước.

- Hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu năng lực, thế mạnh, giá trị văn hóa và định hình bản sắc văn hóa doanh nghiệp, từ đó tạo dựng niềm tin với các đối tác quốc tế; đồng thời gắn kết giữa các thương hiệu sản phẩm có chất lượng của Việt Nam với các yếu tố văn hóa đặc sắc của đất nước.

e) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền

- Kết hợp nhuần nhuyễn ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại, từng bước triển khai ngoại giao công chúng, tạo “sức mạnh mềm” cho đất nước.

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền một cách thực chất, hiệu quả; xác định nhiệm vụ ngoại giao văn hóa không chỉ là giới thiệu, quảng bá thông qua truyền tải thông tin đơn thuần mà cần lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, qua đó giúp định hướng cảm xúc, hành vi, thói quen và thái độ yêu mến của người dân thế giới đối với Việt Nam.

- Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền một cách đa dạng, sáng tạo; tận dụng những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về tốc độ, hàm lượng thông tin, khả năng tiếp cận công chúng; thúc đẩy kết hợp với ngoại giao số, ngoại giao công chúng.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

292 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào