Nhờ người khác giả mạo chữ ký, vân tay để vay tiền ngân hàng

Mẹ chồng và hai con tôi đã nhờ người ngoài giả danh (chữ ký và dùng vân tay giả) để thế chấp tài sản gắn liền trên đất và vay Ngân hàng 2,5 tỷ. Hiện nay, họ sẽ phủ nhận không ký vào bất kỳ giấy tờ, hồ sơ nào và không chấp nhận việc ngân hàng niêm phong nhà thì tình hình sẽ như thế nào? Gửi bởi: Đặng Văn Trường

Đối với trường hợp của bạn thì các bên liên quan có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu; khởi kiện mẹ chồng và các con bạn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể như sau:

1. Khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu.

Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa như sau:

- Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

- Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

- Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

Xét trường hợp của bạn: Mẹ chồng và các con của bạn đã nhờ người khác giả mạo chữ ký và dấu vân tay để ký vào hợp đồng vay tiền và hợp đồng thế chấp với ngân hàng. Đây là hành vi lừa dối Ngân hàng, khiến cho Ngân hàng hiểu sai lệch về chủ thể dẫn đến việc giao kết hợp đồng không đúng chủ thể (người giao kết hợp đồng không phải là người vay tiền và không phải là người có tài sản thế chấp). Theo Điều 132 Bộ luật Dân sự thì Hợp đồng vay tiền, hợp đồng thế chấp vô hiệu do bị lừa dối.

2. Ngân hàng có thể khởi kiện mẹ chồng và các con bạn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đối chiếu với trường hợp của bạn: Hành vi của mẹ chồng và các con bạn đã thỏa mãn các dấu hiệu khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đó là hành vi chiếm đoạt tài sản, và chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối thể hiện ở việc nhờ người khác ký giả mạo và dùng vân tay giả để giao kết hợp đồng với ngân hàng, nhằm chiếm đoạt số tiền là 2,5 tỷ đồng từ ngân hàng. Thủ đoạn này đã có ngay từ ban đầu khi có ý định giao kết hợp đồng với ngân hàng, tức là có trước khi ngân hàng giao số tiền cho mình. Việc ngân hàng giao số tiền cho mẹ chồng và các con bạn là hoàn toàn tự nguyện và không hề biết đang bị lừa dối.

Cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào các dấu hiệu nêu trên để khởi tố mẹ chồng và các con bạn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Ngoài việc phải hoàn trả ngân hàng số tiền đã chiếm đoạt thì mẹ chồng và các con bạn còn thể phải chịu hình phạt theo quy định của pháp luật hình sự.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
334 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào