Quy định về tài sản ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh
Theo Điều 14 Thông tư 58/2021/TT-BTC quy định về tài sản ký quỹ, cụ thể như sau:
1. Nhà đầu tư và thành viên bù trừ được sử dụng tiền và chứng khoán để thực hiện ký quỹ cho giao dịch chứng khoán phái sinh.
2. Chứng khoán được thành viên bù trừ cho phép nhà đầu tư nộp làm tài sản ký quỹ phải đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Là chứng khoán có trong danh sách chứng khoán được chấp nhận ký quỹ do Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam công bố theo quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Không phải là tài sản bảo đảm trong các giao dịch theo quy định pháp luật dân sự về giao dịch tài sản bảo đảm, kể cả cổ phiếu được mua trong giao dịch vay mua ký quỹ; không phải là tài sản đang bị phong tỏa bởi tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật liên quan hoặc không phải là tài sản đang được cho vay theo quy định pháp luật;
c) Đáp ứng các tiêu chí khác của thành viên bù trừ.
3. Chứng khoán được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chấp nhận là tài sản ký quỹ cho các vị thế chứng khoán phái sinh phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:
a) Thuộc danh sách tài sản được chấp nhận ký quỹ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
b) Không thuộc loại bị cảnh báo, bị kiểm soát, tạm ngừng giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh; hoặc chứng khoán của các tổ chức phát hành đang trong tình trạng thanh lý, giải thể, phá sản, hợp nhất, sáp nhập;
c) Không bị cầm cố, phong tỏa, tạm giữ tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
d) Thuộc loại tự do chuyển nhượng và đã được lưu ký trên tài khoản chứng khoán giao dịch tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên ký quỹ là nhà đầu tư, thành viên bù trừ;
đ) Đáp ứng các tiêu chí khác theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ có trách nhiệm công bố danh sách chứng khoán được chấp nhận ký quỹ và tỷ lệ chiết khấu của từng chứng khoán trên trang thông tin điện tử của mình. Trường hợp thay đổi chứng khoán được chấp nhận ký quỹ, nhà đầu tư, thành viên bù trừ có trách nhiệm thay thế bằng tiền hoặc các chứng khoán được chấp nhận ký quỹ khác theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ.
5. Quản lý tài sản ký quỹ:
a) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ quản lý tài sản ký quỹ của thành viên bù trừ, nhà đầu tư theo các quy định tại các Điều 33, 34 Nghị định số 158/2020/NĐ-CP;
b) Thành viên bù trừ chỉ được sử dụng tài sản ký quỹ trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư để ký quỹ, bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thực hiện thanh toán cho các vị thế trên tài khoản giao dịch tương ứng của chính nhà đầu tư đó ngoại trừ quy định tại các điểm d, đ khoản này;
c) Tài sản ký quỹ của nhà đầu tư phải được quản lý tách biệt, không phải và không được coi là tài sản của thành viên bù trừ, kể cả khi đã được ký quỹ trên tài khoản ký quỹ thành viên. Trường hợp thành viên bù trừ bị phá sản, tài sản ký quỹ của nhà đầu tư phải được hoàn trả cho nhà đầu tư sau khi đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán của chính nhà đầu tư đó;
d) Trong trường hợp nhà đầu tư mất khả năng thanh toán, thành viên bù trừ được sử dụng, bán hoặc chuyển giao tài sản ký quỹ mà không cần sự chấp thuận của nhà đầu tư. Trong vòng 01 ngày sau khi xử lý tài sản ký quỹ, thành viên bù trừ phải thông báo cho nhà đầu tư về việc xử lý tài sản ký quỹ theo các phương thức đã được quy định tại hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh. Thông báo phải nêu rõ lý do, loại tài sản đã xử lý, phương thức và thời gian xử lý, giá trị đã thực hiện;
đ) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có quyền sử dụng tài sản ký quỹ của nhà đầu tư và của thành viên bù trừ đã nộp cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để hỗ trợ thanh toán cho các vị thế của nhà đầu tư và của thành viên bù trừ theo quy định tại các điểm c, đ khoản 5 Điều 28 Nghị định số 158/2020/NĐ-CP;
e) Trong thời gian ký quỹ, nhà đầu tư, thành viên bù trừ vẫn được nhận các quyền và lợi ích phát sinh liên quan tới chứng khoán ký quỹ theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật chứng khoán. Việc xử lý bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư đối với chứng khoán ký quỹ thực hiện theo quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
g) Trong thời gian ký quỹ trên tài khoản ký quỹ, nhà đầu tư, thành viên bù trừ không được chuyển nhượng, cho, tặng, thế chấp, cầm cố, ký quỹ, ký cược, đăng ký tài sản bảo đảm hoặc sử dụng các tài sản ký quỹ vào các mục đích khác.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?
- Người giữ chức vụ chỉ huy ban chỉ huy quân sự cấp xã bị đình chỉ công tác có được tính hưởng phụ cấp thâm niên không?
- Cá nhân là thành viên hợp tác xã được phân phối lợi nhuận thì tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
- Hồ sơ cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục bao gồm gì?
- Tài sản bị cưỡng chế khi thu hồi đất mà chủ tài sản không đến nhận thì xử lý như thế nào?