Xác định lại giới tính được thực hiện trong trường hợp nào?

Tình huống: Chị H có đứa con trai năm nay đã 19 tuổi. Nhìn dáng vẻ bề ngoài thì đó là nam giới, tuy nhiên mọi biểu hiện về cử chỉ, hành động và cả giọng nói..., rất giống con gái. Chị muốn hỏi trường hợp của con chị có được xác định lại giới tính không? Đề nghị cho biết các thủ tục, hồ sơ để xác định lại giới tính?

Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
  Điều 2 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính quy định:
- Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật;
- Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính;
- Gen biệt hoá tinh hoàn là gen mã hoá yếu tố xác định tinh hoàn nằm trên nhánh ngắn của nhiễm sắc thể Y mà nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì đó chính là yếu tố của sự phát triển, hình thành tinh hoàn có biểu hiện cho nam giới.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP quy định nghiêm cấm hành vi thực hiện chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.
Đối chiếu với quy định nêu trên, chị H cần lưu ý hai trường hợp như sau:
Thứ nhất, nếu con trai chị mặc dù có biểu hiện bên ngoài không phù hợp với giới tính nhưng nếu không thuộc trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác như giới thiệu ở trên thì pháp luật không cho phép chuyển đổi giới tính.
Thứ hai, nếu con trai chị thuộc trường hợp bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác như giới thiệu ở trên thì pháp luật cho phép được xác định lại giới tính.
Hồ sơ, thủ tục xác định lại giới tính theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 88/2008/NĐ-CP như sau:
1. Hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính bao gồm:
a) Đơn đề nghị xác định lại giới tính theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trường hợp xác định lại giới tính cho người chưa đủ 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó phải có đơn đề nghị; trường hợp xác định lại giới tính cho người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì trong đơn đề nghị phải có chữ ký của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó;
b) Bản sao hợp lệ giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu.
2. Thủ tục đề nghị xác định lại giới tính:
a) Người đề nghị xác định lại giới tính gửi hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính;
b) Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho người đề nghị xác định lại giới tính trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Nếu không chấp nhận thì phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
259 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào