Quy định về biện pháp khắc phục hậu quả trong hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/04/2020 thì biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Điều 3 Nghị định này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
1. Buộc trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu.
2. Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động.
3. Buộc trả lại giấy tờ tùy thân cho người giúp việc gia đình.
4. Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ hoặc đã thu của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động.
5. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động.
6. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
7. Buộc hoàn trả cho cơ sở sản xuất kinh doanh thuê dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động chi phí huấn luyện cộng khoản lãi của số tiền đó.
8. Buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nộp lại số tiền đã trục lợi vào ngân sách nhà nước.
9. Buộc hoàn trả cho người lao động số tiền hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã chiếm dụng của người lao động và lãi của số tiền này.
10. Buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động hoặc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động.
11. Buộc giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.
12. Buộc gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách.
13. Buộc trả đủ tiền lương.
14. Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu.
15. Buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
16. Buộc doanh nghiệp cho thuê lại lao động trả khoản tiền lương chênh lệch cho người lao động.
17. Buộc trả lương cho người học nghề, người tập nghề khi có hành vi không trả lương cho người học nghề trong thời gian học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách.
18. Buộc trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động.
19. Buộc trả lương cho người lao động trong những ngày đóng cửa tạm thời nơi làm việc.
20. Buộc trả lương cho người làm công tác công đoàn không chuyên trách trong thời gian hoạt động công đoàn.
21. Buộc trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động.
22. Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động.
23. Buộc nhận người lao động trở lại làm việc.
24. Buộc nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương cho người lao động tương ứng với những ngày nghỉ việc.
25. Buộc nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc.
26. Buộc xin lỗi công khai đối với người lao động và trả toàn bộ chi phí điều trị, tiền lương cho người lao động trong thời gian điều trị nếu việc xâm phạm gây tổn thương về thân thể người lao động đến mức phải điều trị tại các cơ sở y tế.
27. Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả.
28. Buộc trả đủ khoản tiền tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép năm cho người lao động.
29. Buộc trả cho người lao động khoản bồi dưỡng bằng hiện vật được quy thành tiền theo đúng mức quy định.
30. Buộc trả đủ tiền tàu xe đi đường cho người giúp việc gia đình.
31. Buộc trả đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình.
32. Buộc trả đủ chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
33. Buộc trả cho người lao động số tiền trợ cấp, bồi thường, cộng với khoản lãi của số tiền đó.
34. Buộc người sử dụng lao động thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tham gia bảo hiểm y tế.
35. Buộc người sử dụng lao động thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế.
36. Buộc người sử dụng lao động trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
37. Buộc hủy kết quả huấn luyện đã cung cấp.
38. Buộc hủy kết quả kiểm định và hoàn trả chi phí kiểm định cộng khoản lãi của số tiền đó.
39. Buộc bảo đảm các điều kiện làm việc cần thiết cho tổ chức công đoàn, bố trí thời gian cho người làm công tác công đoàn.
40. Buộc cải chính thông tin sai sự thật.
41. Buộc giải quyết các quyền lợi và phúc lợi tập thể cho người làm công tác công đoàn chuyên trách như người lao động khác trong cùng tổ chức.
42. Người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng.
43. Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận.
44. Buộc đóng đủ tiền vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.
45. Buộc nộp số tiền ký quỹ theo đúng quy định.
46. Buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện dạy nghề đủ thời gian khóa học mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đăng ký.
47. Buộc bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động hoặc hoàn trả khoản tiền đào tạo đã thu của người lao động (nếu có).
48. Buộc đưa người lao động về nước theo yêu cầu của nước tiếp nhận lao động hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
49. Buộc về nước.
50. Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, không đóng, trốn đóng.
51. Buộc nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng.
Trên đây là nội dung về biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội. Để biết thêm thông tin về vấn đề trên bạn có thể tham khảo tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?