Ủy ban kiểm tra đoàn các cấp có nhiệm vụ gì?

Ban biên tập cho tôi hỏi theo quy định của pháp luật hiện hành thì. Nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra đoàn các cấp được quy định như thế nào?

Tại Phần thứ Tư Hướng dẫn 22HD/TWĐTN năm 2013 thực hiện Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, có quy định:

Ủy ban kiểm tra các cấp của Đoàn có 06 nhiệm vụ (theo quy định tại điều 29, chương VII, Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Bao gồm:

a) Tham mưu cho ban chấp hành kiểm tra việc thi hành Điều lệ, nghị quyết, chủ trương của Đoàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, thanh niên.

- Nội dung:

+ Kiểm tra thực hiện Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn;

+ Kiểm tra việc triển khai, thực hiện nghị quyết và các chủ trương công tác của Đoàn đối với cán bộ, đoàn viên, tổ chức Đoàn cấp dưới;

- Những vấn đề cần lưu ý:

+ Đề xuất để kịp thời uốn nắn những khuyết điểm, lệch lạc trong việc thực hiện Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết;

+ Đánh giá được hiệu quả các chủ trương công tác của Đoàn, chất lượng các hoạt động và phong trào do Đoàn chỉ đạo, tổ chức;

+ Phát hiện và đề xuất nhân rộng điển hình nhân tố mới;

b) Kiểm tra cán bộ, đoàn viên (kể cả ủy viên ban chấp hành cùng cấp) và tổ chức Đoàn cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đoàn.

- Những yếu tố để phát hiện cán bộ, đoàn viên và tổ chức Đoàn có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đoàn:

+ Qua theo dõi nắm tình hình;

+ Qua các ý kiến phản ánh trực tiếp (có biên bản, băng ghi âm) hoặc đơn, thư của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân;

+ Qua các phương tiện thông tin đại chúng;…

- Những điều cần lưu ý:

+ Đối với cán bộ thuộc diện cấp bộ đoàn cùng cấp hoặc cấp bộ đoàn cấp trên quản lý, khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đoàn thì ủy ban kiểm tra nơi phát hiện dấu hiệu phải báo cáo cấp bộ đoàn cùng cấp và ủy ban kiểm tra cấp trên trước khi tiến hành kiểm tra.

+ Sau khi kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm phải có kết luận, nếu đến mức phải kỷ luật thì phải đề xuất hình thức kỷ luật và biện pháp giải quyết với cấp bộ đoàn cấp có thẩm quyền.

c) Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn cấp dưới.

- Nội dung:

+ Phương hướng, phương châm trong thi hành kỷ luật;

+ Nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật;

+ Việc thực thi quyết định kỷ luật, theo dõi công nhận tiến bộ;

+ Việc giải quyết đơn thư khiếu nại về kỷ luật;

- Khi kiểm tra việc thi hành kỷ luật, ủy ban kiểm tra có thể xem xét các vụ kỷ luật đã được xử lý nhưng có dấu hiệu xử lý không đúng để kiến nghị cấp bộ đoàn có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d) Giám sát ủy viên ban chấp hành, cán bộ đoàn cùng cấp và tổ chức Đoàn cấp dưới trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết và quy định của Đoàn.

- Đối tượng giám sát:

+ Ủy viên ban chấp hành, cán bộ đoàn cùng cấp;

+ Tổ chức Đoàn cấp dưới và cán bộ, đoàn viên.

- Nội dung giám sát:

+ Giám sát tổ chức Đoàn cấp dưới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương công tác của Đoàn; việc chấp hành Điều lệ và các quy định của tổ chức Đoàn.

+ Giám sát cán bộ, đoàn viên trong việc chấp hành Điều lệ Đoàn, thực hiện các nghị quyết, quy định, quyết định của Đoàn; việc thực hiện các tiêu chuẩn cán bộ, đoàn viên theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Đoàn; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác,...

- Cách thức tiến hành giám sát:

+ Phân công ủy viên ủy ban kiểm tra trực tiếp, thường xuyên theo dõi địa bàn, lĩnh vực, nắm tình hình phục vụ cho việc phát hiện dấu hiệu vi phạm nếu có.

+ Cử cán bộ dự các hội nghị, hoạt động của cấp bộ đoàn hoặc tổ chức Đoàn được giám sát.

+ Tổ chức các đoàn giám sát tại địa phương, đơn vị.

+ Trao đổi, nắm tình hình từ các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan bảo vệ pháp luật, dư luận quần chúng thanh thiếu nhi và nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và đơn thư khiếu nại, tố cáo.

+ Xem xét các văn bản, báo cáo của tổ chức Đoàn cấp dưới.

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đoàn viên và nhân dân liên quan đến cán bộ, đoàn viên; tham mưu cho ban chấp hành về việc thi hành kỷ luật Đoàn.

- Việc xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Đoàn, pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Nếu người khiếu nại (hoặc tố cáo), hoặc người bị tố cáo là đảng viên thì phải thực hiện theo các quy định của Đảng.

- Một số quy định cụ thể như sau:

+ Khi nhận được đơn khiếu nại tố cáo của cán bộ, đoàn viên, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết thì ủy ban kiểm tra các cấp có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị xử lý và trả lời cho người có đơn. Thời hạn giải quyết lần đầu không quá 30 ngày đối với khiếu nại, 60 ngày đối với tố cáo kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng thời gian kéo dài thêm không quá 45 ngày đối với khiếu nại, 90 ngày đối với tố cáo.

+ Những tố cáo, khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển cho cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết.

+ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại, tố cáo không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo (đối với khu vực đi lại khó khăn thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày). Thời gian giải quyết mỗi lần tiếp theo không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết. Người khiếu nại không gửi đơn khiếu nại tố cáo đến nhiều cấp, nhiều ngành cùng một lúc; trong thời gian cấp có thẩm quyền đang xem xét, kết luận, người khiếu nại không gửi đơn khiếu nại tố cáo đi các cấp, các ngành...

+ Đối với đơn tố cáo không ghi danh, mạo danh không rõ địa chỉ và những đơn đã được cấp có thẩm quyền xem xét kết luận nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới; những đơn tố cáo sao chụp chữ ký thì không xem xét giải quyết; trường hợp đơn tố cáo không ghi danh, không rõ địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì ủy ban kiểm tra tiến hành kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm (khoản 2, điều 29, Điều lệ Đoàn).

+ Trường hợp đơn khiếu nại tố cáo có nội dung, tính chất phức tạp, có liên quan đến nhiều cấp thì ủy ban kiểm tra, cấp bộ đoàn cấp trên trực tiếp của cấp cao nhất hoặc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn có thể xem xét giải quyết.

+ Đối với đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu đại hội hoặc hội nghị đại biểu của Đoàn, thì chỉ nhận và xem xét, giải quyết đơn thư đó nếu được gửi đến trước đại hội, hội nghị đại biểu ít nhất 10 ngày.

+ Trong khi giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, ủy ban kiểm tra phải đảm bảo khách quan, trung thực, đúng pháp luật và đúng quy định của Điều lệ Đoàn, không được quy chụp, trù úm người có đơn khiếu tố. Sau khi giải quyết xong phải báo cáo với cấp bộ đoàn có thẩm quyền xử lý.

g) Kiểm tra công tác đoàn phí, việc sử dụng các nguồn quỹ khác của các đơn vị trực thuộc

Hàng năm các cấp bộ đoàn, ủy ban kiểm tra xây dựng kế hoạch, tiến hành kiểm tra công tác đoàn phí, việc quản lý sử dụng tài chính và các nguồn thu khác của các đơn vị trực thuộc và tổ chức Đoàn cấp dưới, cụ thể như sau:

- Kiểm tra công tác đoàn phí:

+ Đối với đoàn viên: Kiểm tra ý thức, trách nhiệm đóng đoàn phí của đoàn viên (thể hiện ở thời gian đóng đoàn phí và mức đóng đoàn phí).

+ Đối với tổ chức Đoàn:

• Kiểm tra việc thu, nộp đoàn phí, thời gian nộp, tỷ lệ trích nộp lên đoàn cấp trên.

• Kiểm tra việc quản lý và sử dụng đoàn phí: mục đích, nội dung sử dụng, việc thực hiện các quy định về chế độ thanh quyết toán, việc mở sổ sách theo dõi theo quy định của Nhà nước.

- Kiểm tra tài chính của Đoàn:

+ Đối với ngân sách nhà nước cấp: Kiểm tra việc sử dụng ngân sách Nhà nước cấp cho các hoạt động của Đoàn (chỉ kiểm tra khi thấy có dấu hiệu vi phạm và có sự đồng ý của ban thường vụ đoàn cùng cấp). Khi tiến hành kiểm tra cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính.

+ Đối với các nguồn thu khác: Tiến hành kiểm tra khi có sự đồng ý của ban thường vụ đoàn cùng cấp; trong đó chú ý các khoản phân phối cho cán bộ, nhân viên, đầu tư cho sản xuất, làm công tác từ thiện và giúp đỡ cơ sở, để lại quỹ phúc lợi của cơ quan đơn vị... Kiểm tra việc sử dụng nguồn thu này có đúng quy định của Nhà nước, có hợp lý, công bằng đảm bảo nguyên tắc bàn bạc tập thể hay không.

+ Kiểm tra việc thanh, quyết toán các loại sổ sách, hóa đơn chứng từ theo quy định của Nhà nước.



Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
304 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào