Thủ tục thành lập Viện dưỡng lão (cơ sở trợ giúp xã hội)

Chào quý anh chị tổ tư vấn. Sắp tới đây, tôi có dự định thành lập Viện dưỡng lão. Anh chị vui lòng cung cấp thông tin về thủ tục thành lập Viện dưỡng lão với nhé! Chân thành cảm ơn! 

1. Cơ sở pháp lý: Nghị định 103/2017/NĐ-CP

2. Đối tượng:

Căn cứ Điều 2 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định:

Cơ sở trợ giúp xã hội gồm cơ sở trợ giúp xã hội công lập và cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập (sau đây gọi tắt là cơ sở).

- Cơ sở trợ giúp xã hội công lập do cơ quan nhà nước thành lập, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

- Cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ của cơ sở trợ giúp xã hội.

=> Như vậy, viện dưỡng lão được xem là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập.

3. Điều kiện:

* Về môi trường và vị trí: Điều 23 Nghị định 103/2017/NĐ-CP

Cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, trường học, bệnh viện, không khí trong lành có lợi cho sức khỏe của đối tượng; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.

* Về cơ sở vật chất: Điều 24 Nghị định 103/2017/NĐ-CP

Cơ sở phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất sau:

- Diện tích đất tự nhiên: Bình quân 30 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 10 m2/đối tượng ở khu vực thành thị. Đối với cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, diện tích đất tự nhiên phải đảm bảo tối thiểu 80 m2/đối tượng ở khu vực thành thị, 100 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 120 m2/đối tượng ở khu vực miền núi.

- Diện tích phòng ở của đối tượng bình quân tối thiểu 6 m2/đối tượng. Đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân tối thiểu 8 m2/đối tượng. Phòng ở phải được trang bị đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của đối tượng.

- Cơ sở phải có khu nhà ở, khu nhà bếp, khu làm việc của cán bộ nhân viên, khu vui chơi giải trí, hệ thống cấp, thoát nước, điện, đường đi nội bộ; khu sản xuất và lao động trị liệu (nếu có điều kiện).

- Các công trình, các trang thiết bị phải bảo đảm cho người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em tiếp cận và sử dụng thuận tiện.

* Về nhân viên trợ giúp xã hội: Điều 25 Nghị định 103/2017/NĐ-CP

- Nhân viên trợ giúp xã hội phải bảo đảm tiêu chuẩn sau đây:

+ Có sức khỏe để thực hiện trợ giúp xã hội đối tượng;

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

+ Có kỹ năng để trợ giúp xã hội đối tượng.

- Có đội ngũ nhân viên trợ giúp xã hội bảo đảm đủ về số lượng, trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của cơ sở.

4. Hồ sơ: Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP

- Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

- Phương án thành lập cơ sở.

- Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

- Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở.

- Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên.

- Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;

+ Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.

Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

5. Cách thức nộp hồ sơ: Khoản 1 Điều 17 Nghị định 103/2017/NĐ-CP

Nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thành lập đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

6. Cơ quan cấp giấy phép thành lập: Điều 19 Nghị định 103/2017/NĐ-CP

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập viện dưỡng lão thuộc về:

– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi liên tỉnh hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố, có trụ sở chính đặt tại địa phương.

– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi cấp huyện, có trụ sở chính đặt tại địa phương.

7. Thời hạn cấp giấy phép: Khoản 2 Điều 17 Nghị định 103/2017/NĐ-CP

Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập cơ sở biết và nêu rõ lý do.

8. Lệ phí: Không có thông tin

Bạn có thể tham khảo thêm tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội tại Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH.

Trên đây là nội dung hỗ trợ.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
1,214 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào