Xử lý cá nhân không có chuyên môn tự tổ chức dạy thêm tại nhà

Kính thưa Qúy cơ quan ban ngành, Tên tôi là Nguyễn Thái Sơn hiện đang cư trú tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, xin có thắc mắc và mong có hướng giải quyết giúp chúng phụ huynh chúng tôi: Hiện nay tại tổ 24, khu phố 7, phường Long Bình có một số cá nhân tự ý tổ chức dạy thêm tại nhà với số lượng học sinh rất nhiều khoảng 30 em học sinh các cấp. Người đứng lớp là người không có bằng cấp về chuyên môn sư phạm, chỉ tốt nghiệp cao đẳng nghề điện tử. Như vậy theo như quy định mới của NGHỊ ĐỊNH 138/2013/NĐ-CP QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC thì trường hợp này có nằm trong phạm vi áp dụng của nghị định không? Tôi đã thấy cán bộ Phường Long Bình đã xuống nhắc nhở nhưng hiện nay tôi vẫn thấy việc dạy và học diễn ra bình thường, theo tôi được biết vì đã có nhiều lá đơn khiếu nại vấn đề này rồi nhưng không chấm dứt triệt để. Xin vui lòng giúp chúng tôi chấm dứt vấn đề này hoặc cho chúng tôi biết tiến hành nộp đơn khiếu nại tố cáo ở cơ quan nào thì mới thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của nhà nước. Thay mặt phụ huýnh tổ 24 khu phố 7 (Nguyễn Thái Sơn)

      - Trường hợp: “một số cá nhân tự ý tổ chức dạy thêm tại nhà với số lượng học sinh rất nhiều khoảng 30 em học sinh các cấp. Người đứng lớp là người không có bằng cấp về chuyên môn sư phạm, chỉ tốt nghiệp cao đẳng nghề điện tử.
     Như vậy theo như quy định mới của Nghị định 138/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì trường hợp này có nằm trong phạm vi áp dụng của Nghị định không?”
     Trả lời: Căn cứ vào Điều 7, Nghị định 138/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, quy định “Điều 7. Vi phạm quy định về dạy thêm:
     1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt sau đây:
     a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định;
     b) Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng;
     c) Từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép;
     d) Từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
     2. Hình thức xử phạt bổ sung:
     a) Tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này;
     b) Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.
     3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
     a) Buộc bổ sung đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;
     b) Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều này.”
     Vậy trường hợp trên có thể áp dụng Điều 7 Nghị định 138/2013/NĐ-CP  của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để xử lý.
     - Trường hợp: “ Xin vui lòng giúp chúng tôi chấm dứt vấn đề này hoặc cho chúng tôi biết tiến hành nộp đơn khiếu nại tố cáo ở cơ quan nào thì mới thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của nhà nước”
     Trả lời: Căn cứ Điều 19, Luật tố cáo quy định có các hình thức tố cáo sau:
     “Điều 19. Hình thức tố cáo
     1. Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp.
     2. Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ, tên, địa chỉ của người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của từng người tố cáo, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.
     3. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo”
     Và căn cứ vào Điều 8, Điều 11 của Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, quy định về trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo và Phòng Giáo dục và Đào tạo thì bạn có thể gởi đển cơ quan có thẩm quyền theo từng trường hợp sau:
     + Trường hợp các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông thì sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý, giải quyết tố cáo.
     + Trường hợp các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường nội dung chương trình tiểu học, trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở thì sẽ do Phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý, giải quyết tố cáo.
     Thanh tra Sở trân trọng trả lời./.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
292 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào