Quy định về hai quốc tịch

Xin quý cơ quan giải đáp giúp về luật song tịch do nhà nước Việt Nam quy định mới ra. Tôi là người Việt Nam, lấy chồng Đài Loan và đã xin thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng tôi có nguyện vọng xin gia nhập lưu giữ quốc tịch Việt Nam, vậy tôi có được quyền xin giữ quốc tịch Việt Nam hay không? Và cần chuẩn bị những hồ sơ giấy tờ gì? Sau khi đọc thông tin về luật song tịch trên cổng thông tin công chúng, tôi có gọi điện đến văn phòng đại diện kinh tế Việt Nam ở Đài Bắc (Đài Loan), nhưng họ trả lời không có quy định trên. Hiện tôi đang rất phân vân không biết đâu là sự thật? Xin qúy cơ quan giúp đỡ, giải đáp. Xin chân thành cám ơn. (Nguyễn Thị Tuyết Vân)

     Căn cứ vào phạm vi chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, trên cơ sở Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam (sau đây gọi tắt là Luật Quốc tịch năm 2014) được Chủ tịch nước công bố vào ngày 26/6/2014 (có hiệu lực kể từ ngày được công bố), Sở Tư pháp xin trả lời như sau:
 
1. Về tên gọi Luật Song tịch
 
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam quy định về quốc tịch không có tên gọi Luật Song tịch mà chỉ có Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 24/6/2014 tại kỳ họp thứ 7, khóa XIII.
 
2. Một số vấn đề liên quan đến quốc tịch Việt Nam
 
Theo câu hỏi của bạn thì bạn đã xin thôi quốc tịch Việt Nam và đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) nhưng Sở Tư pháp chưa rõ bạn đã nhận được Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước hay chưa.
 
Như trường hợp của bạn trình bày thì Sở Tư pháp chưa biết rõ tình trạng quốc tịch của bạn hiện nay như thế nào. Theo đó, Sở Tư pháp xin trao đổi ý kiến về trường hợp của bạn như sau:
 
- Thứ nhất, nếu bạn chưa nhận được Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước thì căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật Quốc tịch năm 2014:
 
“1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.
 
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
 
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam”.
 
Như vậy, Luật Quốc tịch năm 2014 không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. Do đó, bạn vẫn còn quốc tịch Việt Nam (nếu có một trong những giấy tờ chứng minh là quốc tịch Việt Nam theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008). Theo đó, muốn xác định là có quốc tịch Việt Nam thì bạn làm đơn xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam và kèm  những giấy tờ phải nộp theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT/BTP-BNG-BCA ngày 31/3/2013 của Bộ Tư pháp – Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sửa đổi, bổ sung điều 13 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA ngày 01/3/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Bạn có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam nơi bạn cư trú tại Đài Loan (trong trường hợp ở Đài Loan không có Cơ quan đại diện thì nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện kiêm nhiệm hoặc Cơ quan đại diện nơi thuận tiện nhất) hoặc Sở Tư pháp nơi bạn cư trú (nếu bạn đang ở Việt Nam).
 
Tuy nhiên, trước hết, bạn phải tìm hiểu pháp luật của Trung Quốc (Đài Loan) rằng trước khi nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) thì có buộc phải xin thôi quốc tịch Việt Nam hay không.
 
- Thứ hai, nếu bạn đã nhận được Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước thì bạn đã mất quốc tịch Việt Nam theo căn cứ mất quốc tịch tại khoản 1 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Nếu có nguyện vọng xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì bạn phải làm Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam và xin thôi quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) (nếu bạn được nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) trừ trường hợp được giữ quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) chỉ trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép theo quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008. Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam thực hiện theo quy định Điều 24 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và Điều 10 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
 
     Trân trọng./.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
298 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào