Đang mang thai mà bị công ty sa thải phải làm sao?
Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012 thì sa thải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
(1) Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
(2) Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
(3) Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
(Xem chi tiết nội dung tại Điều 126 Bộ luật lao động 2012).
Như vậy: Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động mà có một trong các hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp kể trên thì người sử dụng lao động có thể xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động đó.
Cũng đồng nghĩa trường hợp người lao động có vi phạm nội quy công ty nhưng không thuộc một trong các trường hợp trên đây thì người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật.
Mặt khác, tại Khoản 4 Điều 155 Bộ luật lao động 2012 có quy định:
"Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động."
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian mang thai.
Đồng nghĩa, trong thời gian người lao động nữ mang thai, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động nữ đó.
Do đó: Trường hợp hiện tại bạn đang mang thai tháng thứ 6 - thuộc trường hợp không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, công ty bạn đã tổ chức xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với bạn trong thời gian mang thai là trái với quy định của pháp luật.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể khiếu nại đến Ban giám đốc công ty để được giải quyết. Trường hợp không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bạn có thể khiếu nại lên Chánh thanh tra thuộc Phòng Lao động - Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết theo thẩm quyền.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường là giá nào?
- Lịch thi Violympic cấp huyện 2024 - 2025 chi tiết nhất? Còn mấy ngày nữa thi?
- Còn bao nhiêu ngày nữa tới mùng 2 Tết 2025? Lịch âm tháng 1 2025 có mấy ngày chủ nhật?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 12 âm lịch 2024, NLĐ được nghỉ Tết Dương lịch 2025 chưa?
- Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?